“Mừng lo dệt may Việt Nam”

19/01/2008 01:24

Việt Nam vừa tưng bừng kỷ niệm 1 năm gia nhập WTO, đây là thời khắc để các ngành kinh tế nhìn nhận, đánh giá lại hoạt động của mình trong năm qua để có những bước đi thích hợp trong thời gian tới. Vậy đối với ngành dệt may thì sao?

Phóng viên VOVNEWS đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam.

 

Phóng viên: Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới được tròn một năm. Cảm nhận của ông về thời khắc này như thế nào?

 

Ông Nguyễn Sơn: Vừa mừng vừa lo. Mừng vì ngay sau năm đầu gia nhập WTO, chúng ta đã thực hiện nhiều cam kết mở rộng thị trường, giảm thuế... nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững và phát triển, GDP tăng 8,5%, xuất khẩu tăng 20,5%. Trong đó ngành dệt may đã có đóng góp xứng đáng, xuất khẩu tăng trên 33%, đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, thị trường trong nước vẫn được giữ vững và phát triển. Lo vì giá cả vật tư, tiêu dùng biến động mạnh, sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị, đến đời sống của người lao động. Và điều lo lắng nhất là cơ chế giám sát nhập khẩu và nguy cơ điều tra chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ vẫn còn hiện hữu với 2 lần công bố kết quả giám sát vào tháng 3 và tháng 9/2008 trong bối cảnh của năm bầu cử Tổng thống Mỹ có nhiều diễn biến phức tạp, không thể lường trước được. Do vậy, vừa phải đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nhằm thực hiện mục tiêu 9,5 tỷ USD năm 2008 nhưng vừa phải hết sức thận trọng với các diễn biến tại thị trường Hoa kỳ.

 

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngôi nhà chung WTO?

 

Ông Nguyễn Sơn: Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đã có sự chuẩn bị tích cực, chủ động và đã hội nhập khá thành công, thể hiện ở tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu; sản xuất được các sản phẩm có chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao, hợp tác được với các tập đoàn, công ty nổi tiếng của nước ngoài. Trong nước đã xây dựng được hệ thống bán lẻ, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, văn hoá doanh nghiệp... Đảm bảo nền móng vững chắc cho sự phát triển ổn định, lâu dài cho doanh nghiệp. Trong khi đó, có những doanh nghiệp khác vẫn chưa xác định được chỗ đứng cho mình, sản xuất sản phẩm gì, chất lượng ra sao, thị trường nào. Do vậy khả năng cạnh tranh thấp và luôn bị động. Hy vọng những doanh nghiệp này sẽ sớm khắc phục được khiếm khuyết trên, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình và đứng vững trong hội nhập WTO và quốc tế.

 

Phóng viên: Cái được lớn nhất đối với ngành dệt may của Việt Nam sau khi gia nhập WTO là gì, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Sơn: Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO và được đối xử bình đẳng như các thành viên khác của tổ chức này. Từ chỗ chỉ được xuất khẩu theo hạn ngạch khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, bây giờ các doanh nghiệp dệt may có thể xuất khẩu theo năng lực thị trường mà không lo về hạn ngạch. Thuế nhập khẩu dệt may của Việt Nam vào các nước thành viên WTO sẽ theo khung NTR. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện thâm nhập mạnh hơn vào thị trường nước ngoài, tăng thêm kim ngạch xuất khẩu.

 

Trở thành thành viên WTO, Việt Nam có cơ hội thu hút dòng đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, đặc biệt là vào ngành dệt may và các lĩnh vực hạ tầng phục vụ cho sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế cũng như ngành dệt may phát triển hơn nữa. Việt Nam cũng sẽ có thêm cơ hội để tiếp cận trình độ quản lý và công nghệ kỹ thuật mới.

 

Phóng viên: Còn những bất lợi, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Sơn: Trước những cơ hội lớn khi là thành viên WTO thì ngành dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong cạnh tranh. Đó là hàng rào bảo hộ hàng sản xuất trong nước đã giảm đến mức tối đa. Thuế nhập khẩu hàng dệt may giảm ngay tức thì từ 11/01/2007, (thuế nhập khẩu hàng may mặc giảm từ 50% xuống còn 20%, vải từ 40% xuống còn 12%). Vì vậy, các nhà sản xuất dệt may trong nước sẽ phải cạnh tranh khôc liệt với các sản phẩm của một số nước cạnh tranh lớn như Trung Quốc, Ấn Độ…

 

Từ ngày 11/1/2007, hàng dệt may Việt Nam không còn phải chịu hạn ngạch khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, nhưng dưới áp lực của các nhà sản xuất dệt Hoa Kỳ, Bộ Thương Mại nước này đã đưa ra một rào cản mới, đó là việc xây dựng cơ chế giám sát nhập khẩu và tự khởi động điều tra chống bán phá giá hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường kinh doanh khi thị trường Mỹ chiếm đến trên 50% thị phần xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam. Nhiều nhà nhập khẩu lớn dè dặt khi đặt hàng tại Việt Nam, thậm chí rút đơn hàng khỏi Việt Nam trong những tháng đầu năm và trong quý III/2007. Nhiều công ty không dám đầu tư mở rộng sản xuất do sợ rủi ro. Mặc dù Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố chính thức chưa tìm thấy bất cứ dấu hiệu cho thấy ngành dệt may Việt Nam bán phá giá vào thị trường Mỹ, nhưng DOC thông báo vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế giám sát cho đến hết 2008.

 

Ngoài ra, ngành dệt may còn phải đối mặt với hiện tượng biến động lao động. Các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh trong việc thu hút nguồn nhân lực.

 

Phóng viên: Theo ông, dệt may Việt Nam sẽ phải làm gì để tăng trưởng bền vững trong giai đoạn hậu WTO?

 

Ông Nguyễn Sơn: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về lao động, về thị trường, nhưng ngành dệt may Việt Nam đã đạt được kết quả hết sức ấn tượng. Xuất khẩu toàn ngành năm 2007 đạt sấp xỉ 7.8 tỉ USD, tăng 34.5% so năm 2006, chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Việt Nam đã lọt vào top 10 nước và vùng lãnh thổ có kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới.

 

Tuy nhiên, để tăng trưởng bền vững trong giai đoạn hậu WTO, Việt Nam phải làm tốt các việc sau: Phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu, tập trung thực hiện chương trình sản xuất 1 tỉ mét vải phục vụ xuất khẩu theo chỉ đạo của Bộ Công thương. Khẩn trương xây dựng 2 Trung tâm Cung ứng Nguyên phụ liệu tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

 

Thực hiện chiến lược thời trang hoá ngành dệt may Việt Nam, đẩy mạnh họat động thiết kế và sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao cùng với việc xây dựng hình ảnh ngành sản xuất dệt may Việt Nam với chất lượng - thời trang  - thân thiện môi trường.

 

Cải thiện một bước đời sống người lao động cùng với việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, phối hợp với đại diện người lao động xây dựng thang bảng lương và điều kiện lao động chuẩn trong toàn ngành theo từng khu vực. Tích cực cải thiện mối quan hệ lao động, chấm dứt tình trạng đình công bất hợp pháp trong ngành; thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng đến các chuyên gia cấp trung, cao về thị trường, công nghệ và quản trị doanh nghiệp chuyên ngành .

 

Tăng cường hệ thống thông tin chiến lược toàn ngành dệt may để cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Góp phần tích cực vào việc mở cửa thị trường, chống lại các rào cản thương mại thế giới: xây dựng Hiệp định EPA với Nhật; hạn chế tối đa các tác động tiêu cực do chương trình giám sát chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ gây nên./.

 

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

 

 

Trần Hà

(http://www.vovnews.vn)