An toàn vệ sinh thực phẩm: Rối như tơ vò

11/04/2008 04:54

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiệu quả chưa cao, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn xảy ra, các vụ ngộ độc có chiều hướng gia tăng.

(VOV)_ Hôm nay (9/4), tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Toàn quốc lần thứ hai về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

 

Nhiều cái “chưa” nguy hiểm

 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, từ năm 1999 đến nay, nước ta đã có trên 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với 25.000 người mắc, trên 300 người tử vong, trong đó 60% số vụ xảy ra ở bếp ăn tập thể tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.

 

Vệ sinh trong giết mổ gia súc và gia cầm chưa bảo đảm. Nhiều nơi mất vệ sinh nghiêm trọng (mổ trực tiếp trên sàn, trên sân, nơi ở của công nhân giết mổ chung với cơ sở giết mổ, vận chuyển bằng xe máy..).

 

Cơ sở giết mổ Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai là nơi giết mổ tập trung lớn ở Hà Nội nhưng mới chỉ có 25% số lợn đưa vào giết mổ được kiểm dịch.

 

Việc qui hoạch và phát triển vùng sản xuất nông sản an toàn còn chậm. Nhiều địa phương sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng bừa bãi, không rõ nguồn gốc, tồn dư hóa chất trong nông sản thực phẩm còn cao (qua kiểm tra 526 mẫu đối với 40 loại thuốc bảo vệ thực vật, số mẫu vượt quá mức cho phép là 18 mẫu, 2 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng).

 

Thủy sản tiêu thụ nội địa chưa được kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủy sản xuất khẩu còn dư lượng hóa chất kháng sinh (khoảng 30% các lô hàng), việc phát triển vùng nuôi thủy sản an toàn còn chậm.

 

Việc chấp hành các qui định bảo đảm VSATTP tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, chợ, siêu thị, các khu du lịch, các nhà hàng, bếp ăn tập thể và dịch vụ thức ăn đường phố vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến số vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng tăng, ảnh hưởng sức khỏe của người lao động cũng như hoạt động của doanh nghiệp.

 

Công tác quản lý cơ sở thức ăn đường phố thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP chưa đạt được yêu cầu đề ra. Trong 212.772 cơ sở dịch vụ ăn uống, trong 6 tháng đầu năm 2007, cấp mới được 3,6%, lũy tích là 6,1%. Hiện tại vẫn còn 93,9% số cơ sở chưa được quản lý về VSATTP.

 

Năm 2007, Bộ Y tế tổ chức 40 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tiêu chảy cấp ở 16 tỉnh, thành phố có dịch và nguy cơ dịch; 1 đoàn thanh tra bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, chế xuất… Đoàn kiểm tra đã được tiến hành trong năm 2007 trung bình là 0,73 đoàn/xã; 1,73 đoàn/huyện; 4,4 đoàn/tỉnh đã được triển khai trên thực địa. Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 363.541 (chiếm 91,89% tổng số cơ sở trong cả nước).

 

Số cơ sở vi phạm chiếm 14,48% tổng số cơ sở được thanh tra. Trong số này, hình thức xử lý cảnh cáo chiếm 61,64%; tiếp đến là phạt tiền 25,9% với số tiền là 2,4 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra hiện tại vẫn chỉ là thời vụ, không duy trì thường xuyên do chưa có thanh tra chuyên ngành. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là ngoài giờ hành chính nên chế tài chưa mạnh.

 

Sau hơn 3 năm Pháp lệnh VSATTP có hiệu lực, nhiều tỉnh mới bắt đầu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho cơ sở sản xuất, kinh doanh theo qui định.

 

Số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới đạt khoảng trên 10%, còn khoảng trên 90% số cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống còn chưa kiểm soát được hoặc kiểm soát được một phần và thả nổi.

 

Giải pháp cho VSATTP: Bắt đầu từ đâu?

 

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, sau Hội nghị này cần phải tập trung vào một số giải pháp quyết liệt. Đó là phải tuyên truyền, vận động giáo dục để hệ thống chính trị nhận thấy được tính nghiêm trọng của vấn đề; hệ thống quản lý nhà nước hành động quyết liệt hơn. Qua đó, các nhà sản xuất, từ sản xuất lương thực, thực phẩm và quản lý thị trường phải làm tốt hơn. Người tiêu dùng thực phẩm cũng phải nâng cao cảnh giác, ý thức được mối nguy hiểm với sức khoẻ và sinh mạng, thay đổi thói quen, giữ vệ sinh, đảm bảo an toàn và sử dụng thực phẩm tốt hơn.

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có 45/64 tỉnh, thành có kế hoạch hành động bảo đảm VSATTP của tỉnh đến năm 2010 do lãnh đạo Ủy ban nhân dân ký.

 

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt nhấn mạnh tới tăng cường công tác quản lý Nhà nước. Công tác này cần được tăng cường về lực lượng (thanh tra, kiểm tra) và tăng cường đầu tư nguồn tài chính.

 

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, để công tác VSATTP hiệu quả và bền vững chúng ta cần ưu tiên 3 nhóm giải pháp, đó là đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục để củng cố nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, nhận thức của nhóm người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; Phải đảm bảo được nguồn cung cấp thực phẩm, đặc biệt là nguồn rau sạch hiện nay đang có nguy cơ nhiễm độc rất cao; Đảm bảo vệ sinh môi trường.

 

Thứ trưởng Cao Minh Quang cũng nhấn mạnh, tại thời điểm hiện nay, nhóm thực phẩm đường phố có nguy cơ ngộ độc rất cao, vì thế cần nâng cao nhận thức cho người kinh doanh cá thể và người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình.

 

Được biết, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai một số mô hình thức ăn đường phố. Ông Quang nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt, các cơ sở làm dịch vụ thực phẩm phải đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mới được kinh doanh”./.

Vũ Hạnh

(http://www.vovnews.vn)