Chăm sóc và bảo vệ trẻ em - ưu tiên hàng đầu của Việt Nam

03/06/2008 00:57

Hà Nội (TTXVN) - Là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em năm 1990, Việt Nam luôn coi chăm sóc và bảo vệ trẻ em là ưu tiên hàng đầu, đã triển khai nhiều chính sách cải thiện phúc lợi trẻ em trong điều kiện thu nhập bình quân đầu người còn thấp.

Hệ thống chăm sóc sức khoẻ trẻ em ngày càng được mở rộng, cơ bản không còn xã trắng về y tế, mạng lưới y tế thôn, bản được khôi phục. Hiện đã có gần 98% trẻ em dưới 6 tuổi được phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí.

Từ năm 2005 đến nay, hàng năm Nhà nước đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho hoạt động này. Việc thực hiện các cam kết với quốc tế về giảm tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, tai nạn thương tích đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ trẻ em bị chết đã giảm từ 81 phần nghìn năm 2000 xuống 17 phần nghìn năm 2007, vượt khá xa mục tiêu đề ra là dưới 20 phần nghìn vào năm 2010. Đây là tỷ lệ rất thấp so với các nước có cùng mức thu nhập.

Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cũng đang giảm mạnh. Với việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trên phạm vi cả nước, các bệnh mù lòa, khô mắt và thiếu vitamin A, bại liệt ở trẻ em đã được thanh toán.

Việc triển khai nhiều mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn rộng khắp toàn quốc đã góp phần giảm tỷ lệ chết và tàn tật ở trẻ em do tai nạn thương tích gây ra. Về giáo dục, hiện Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và đang tiến tới phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tất cả các xã vùng dân tộc đều có trường tiểu học, tất cả số huyện miền núi có trường dân tộc nội trú.

Một chiến lược quốc gia bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên từ 16-18 tuổi giai đoạn 2007-2015 cũng đang được hoàn thiện nhằm xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ em thống nhất, trong đó tập trung hỗ trợ và ngăn chặn việc trẻ em bị lạm dụng, bóc lột và xâm hại.

Vấn đề bảo vệ trẻ em cũng đang được triển khai lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cấp quốc gia với mục tiêu 90% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và hỗ trợ vào năm 2010. Tiếng nói của trẻ em ngày càng tôn trọng thông qua việc tạo cơ hội cho các em tham gia vào các cuộc toạ đàm, giao lưu, các diễn đàn trong nước và quốc tế dành cho trẻ em. Tại đó, trẻ em có thể được đối thoại với các nhà lãnh đạo về những vấn đề liên quan đến trẻ em.

Những nỗ lực chăm sóc và bảo vệ trẻ em của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong cuộc họp về việc thực hiện văn kiện “Một thế giới phù hợp với trẻ em” của Liên hợp quốc tổ chức tại Việt Nam năm ngoái, Phó Giám đốc điều hành UNICEF, ông Kul C.Gautam, đánh giá trong thập kỷ vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện xuất sắc những cam kết của mình trong việc thực hiện các quyền của trẻ em và tiến tới đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ. Hay Chủ tịch Ủy ban về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc Jakob Doek cũng từng nhận định Việt Nam như một tấm gương cho các quốc gia trên thế giới học tập về “sự phát triển kinh tế nhưng vẫn chú trọng chăm sóc cũng như bảo vệ trẻ em”.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã dành sự hỗ trợ đáng kể cho những nỗ lực này của Việt Nam như Uỷ ban Châu Âu, Hà Lan, các tổ chức UNICEF, ILO, PLAN, Liên minh các tổ chức Cứu trợ trẻ em, Tầm nhìn Thế giới, Cứu trợ Nhi đồng Anh. Theo kết quả điều tra dân số, trẻ em từ 0 đến 14 tuổi chiếm khoảng 26,4% dân số cả nước./

 

(http://www.vnanet.vn/)