Các địa phương đối phó với mưa bão, lũ quét và sạt lở đất

09/08/2008 05:30

Để chủ động phòng tránh và hạn chế những thiệt hại do mưa lũ mà áp thấp gây ra, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Tối 7/8, bão số 4 đã đi vào địa phận tỉnh Quảng Ninh và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 19 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật trên cấp 7. Dự báo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và ảnh hưởng trực tiếp đến khu Đông Bắc Bắc Bộ.

Từ 12 đến 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 8/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Tây Bắc Vịnh Bắc Bộ đêm 7/8 có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh có gió mạnh cấp 6, giật trên cấp 6. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần chủ động đề phòng lốc xoáy và lũ lớn trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các vùng trũng.

** Trước khi áp thấp tràn vào, Quảng Ninh, Hải Phòng đã kêu gọi các tùa thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Các đơn vị khai thác than trên địa bàn đang phối hợp với chính quyền địa phương gia cố các điểm dễ sạt lở tại các khu vực khai thác, đổ thải. Các huyện miền núi như: Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu… khẩn trương thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mọi diễn biến của mưa bão.

Tại Hải Phòng, thành phố đã yêu cầu các công ty thuỷ nông trong mấy tháng qua cho tháo cạn nước đệm để nếu mưa xuống thì hạn chế được ngập úng. Ngành Điện ưu tiên điện cho các trạm bơm lớn nếu có mưa lớn. Tuy nhiên, hiện nay ở Hải Phòng, chân thuỷ triều cao nên nếu có mưa lớn xảy ra thì sẽ có một số khu vực bị úng cục bộ.

Tại Thanh Hoá đã yêu cầu 11 huyện miền núi chuẩn bị phương án sẵn sàng di dời khẩn cấp gần 1.850 hộ dân đến nơi an toàn. Các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Hoằng Hoá và thành phố Thanh Hoá chủ động các phương án di dân vùng ngoài đê và khu vực xung yếu thuộc hệ thống sông Chủ. Đặc biệt, với công trình Thuỷ lợi - Thủy điện Cửa Đạt, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hoá khẩn trương chuẩn bị các loại vật tư, phương tiện, thiết bị, nhân lực cần thiết cho mục tiêu chống lũ với tình huống cao nhất có thể xảy ra.

Tại Cao Bằng, Ông Nguyễn Đình Chương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: Đêm 7/8, trời vẫn đổ mưa và nếu cứ mưa dầm như hiện nay thì nguy cơ sạt lở núi lớn. Còn tại tỉnh Bắc Cạn, từ trưa qua đến rạng sáng nay đã có mưa nhỏ đến mưa to./.

 

(http://www.vovnews.vn/)