Quan hệ đối tác mở: Nền tảng mới cho tăng trưởng

21/05/2010 22:17

Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 16 Việt Nam mong muốn các quốc gia trong khu vực châu Á sẽ luôn giữ vững được tinh thần tương trợ tương ái, chung sức đồng lòng, cởi mở trong hợp tác để cùng vượt qua khó khăn

Phát biểu và trả lời trực tiếp của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về chủ đề: “Hướng tới quan hệ đối tác kinh tế mở: Một nền tảng mới cho tăng trưởng” đã nhận được sự đánh giá rất cao cũng như sự quan tâm của lãnh đạo các nước châu Á, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản và giới truyền thông quốc tế.

 

Trong phát biểu tại Hội nghị “Tương lai châu Á” lần thứ 16 do báo Nikkei – Nhật Bản tổ chức ngày 20/5 tại thành phố Tokyo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc báo Nikkei đã khởi xướng và duy trì đều đặn Diễn đàn thường niên quan trọng này, tạo điều kiện cho các nước châu Á trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau tìm kiếm những phương hướng cho hợp tác và phát triển cũng như giải pháp để đối phó hiệu quả với các khó khăn, thách thức chung.

 

Từ những kinh nghiệm hợp tác thành công trong cộng đồng ASEAN, thay mặt Chính phủ Việt Nam (Chủ tịch ASEAN năm 2010), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra một số lý do khiến hợp tác nội khối ASEAN hoạt động hiệu quả và hỗ trợ tốt cho tất cả các nước thành viên.

 

Một trong những lý do là thông qua thương mại và đầu tư nội khối, cộng đồng ASEAN với cấu trúc kinh tế và trình độ phát triển tương đồng, cạnh tranh có thể được thúc đẩy một cách hiệu quả, nhưng không tạo ra những đổ vỡ lớn của các doanh nghiệp.

 

Các nước ASEAN là các nước láng giềng gần gũi, do đó chi phí vận chuyển hàng hóa thấp hơn so với việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác có vị trí địa lý xa hơn.

 

Do thuế nhập khẩu rất thấp thậm chí bằng không giữa các nước ASEAN nên chi phí xuất khẩu trong khối cũng giảm đi đáng kể so với việc xuất khẩu ra các nước khác không có hiệp định tự do thương mại.

 

Việc gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên giữa các lãnh đạo ASEAN giúp giải quyết nhanh chóng và hiệu quả bất đồng giữa các nước và giữa doanh nghiệp các nước.

 

Với các lợi thế có được thông qua hợp tác trong cộng đồng ASEAN, tất cả các nước thành viên đều được hưởng lợi và được bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực bởi những biến động về kinh tế và xã hội.

 

Thời gian qua, thương mại nội khối ASEAN đã tăng rất nhanh chóng, từ 157,2 tỷ USD trong năm 2001 đến 304,8 tỷ USD trong năm 2005, và gần như tăng gấp ba, lên tới 458,1 tỷ USD vào năm 2008.

 

Về châu Á, Phó Thủ tướng cho rằng, thời điểm hiện nay, khu vực này vẫn được đánh giá là động lực chính cho tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, là khu vực phát triển năng động với nhiều tiềm năng to lớn.

 

Sở dĩ châu Á có khả năng phục hồi nhanh chóng sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, bên cạnh nỗ lực tự thân của từng quốc gia, còn nhờ có sự tương trợ lẫn nhau thông qua các khuôn khổ hợp tác và quan hệ đối tác kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực.

 

 

Tiếp tục bài phát biểu “Hướng tới quan hệ đối tác kinh tế mở: Một nền tảng mới cho tăng trưởng”, Phó Thủ tướng nêu lên vai trò của quan hệ đối tác kinh tế mở đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

 

Theo Phó Thủ tướng, tỷ trọng thương mại với các nước Đông Á chiếm 53% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam, nếu tính cả Australia, New Zealand và Ấn Độ thì con số này là 56%.

 

Không chỉ là đối tác lớn nhất, quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Á còn tăng trưởng với tốc độ cao. Từ năm 2004 đến 2008, kim ngạch hai chiều Việt Nam và Đông Á đã tăng từ 32 tỷ USD lên tới 82 tỷ USD.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Việt Nam thực sự mong muốn các quốc gia trong khu vực châu Á sẽ luôn giữ vững được tinh thần tương trợ tương ái, chung sức đồng lòng, cởi mở trong hợp tác để cùng vượt qua khó khăn, xây dựng nền tảng vững chắc mới cho sự phát triển của toàn khu vực trong thời gian tới”.

 

Để kết thúc bài phát biểu, Phó Thủ tướng bày tỏ với cử tọa: “Nếu các bạn và Chính phủ các bạn đang tìm kiếm một thị trường lớn với 100 triệu khách hàng, một lực lượng lao động 35 triệu người có tay nghề, cần cù và sẵn sàng học hỏi, một đất nước có nền chính trị ổn định và một Chính phủ đang được cải cách, một đất nước Châu Á với lịch sử 4000 năm với rất nhiều di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới, một cửa ngõ đáng tin cậy để tiến vào Đông Nam Á, với các công dân không chỉ nói tiếng Anh mà còn nói tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Đức. Xin hãy nhớ đến một cái tên: Việt Nam”./.

(Chinhphu.vn)