Quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc: Mở ra tầm nhìn mới cho hợp tác phát triển

27/05/2010 00:39

Với khoảng 2.300 dự án và trên 20 tỷ USD vốn đăng ký, Hàn Quốc hiện dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

“Sau khi thiết lập ngoại giao năm 1992, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc phát triển rất mạnh mẽ cả về lượng và chất. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc đã tăng gần 20 lần (từ 500 triệu USD năm 1992 lên 9,5 tỷ USD năm 2009), Hàn Quốc cũng vươn lên trở thành một trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam về số lượng dự án với tổng giá trị đầu tư đạt hơn 20 tỷ USD, tăng hơn 100 lần (từ 200 triệu USD lên 20,5 tỷ USD) ” – Ông Park Suk Hwan đã nhấn mạnh như vậy tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 25/5, nhân dịp ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Hàn Quốc mới tại Việt Nam.

Đại sứ Park Suk Hwan cho biết thêm: Hiện đang có khoảng 2.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động đầu tư tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho khoảng 400.000 lao động Việt Nam.

Theo một cuộc khảo sát của Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc (KOTRA) hầu hết các công ty Hàn Quốc đều hài lòng với việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và họ cho rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành một số chính sách ngày càng hợp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư và kinh doanh nước ngoài. 

Đối tác hợp tác chiến lược

Theo Đại sứ Park Suk Hwan: Những kết quả đạt được là hệ quả tất yếu quyết tâm của hai nước, muốn chuyển hoá quan hệ chính trị thành mối bang giao kinh tế - thương mại, bằng các dấu mốc quan trọng. Năm 2001, khi Chủ tịch nước Trần Đức Lương sang thăm Hàn Quốc, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI, đặt nền móng cho việc mở rộng quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Hàn Quốc vào tháng 5/2009 và Tổng thống Lee Myung-bak thăm Việt Nam vào tháng 10/2009, hai bên đã thống nhất nâng tầm quan hệ hai nước lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược” đóng góp cho sự phát triển cả về lượng và chất của hai bên... Theo đó phấn đấu đến năm 2015 tăng gấp đôi kim ngạch song phương lên mức 20 tỷ USD và từng bước cân bằng cán cân thương mại.

Hiện thực hoá các mục tiêu trên, doanh nghiệp hai nước đã có nhiều hoạt động mạnh mẽ. Trong dịp tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN – Hàn Quốc từ ngày 31/5-2/6/2009 tại đảo Jeju, Hàn Quốc, đại diện doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam đã ký kết gần 20 thoả thuận và hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD với các đối tác Hàn Quốc.

Trong tuần hoạt động kỷ niệm 17 năm thiết lập quan hê ngoại giao giữa hai nước, ngày 2/10/2009, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, 50 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và 17 tập đoàn, công ty thành viên của Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) đã gặp gỡ, đạt được nhiều cam kết, hứa hẹn mở ra nhiều hoạt động thương mại, đầu tư khác.

Uỷ ban Thương mại Hỗn hợp Hàn Quốc - Việt Nam ra đời ngày 24/02/2010, tại Seoul, thủ đô Hàn Quốc sẽ là chiếc cầu nối quan trọng cho doanh nghiệp hai bên trong việc trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới… được xem như một điểm nhấn thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư lên tầm cao mới mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thoả thuận.

Mở ra tầm nhìn mới

Đại sứ Pak Suk Hwan nhấn mạnh, Hàn Quốc ủng hộ Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN 2010 và tin tưởng hai nước sẽ có những hợp tác tốt cả song phương và trong khuôn khổ ASEAN + 3. Đại sứ cho biết Chính phủ Hàn Quốc mong muốn mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới tại Hàn Quốc.

Đại sứ đồng thời khẳng định Hàn Quốc coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách ngoại giao của mình và hợp tác phát triển sẽ là trọng tâm trong quan hệ Hàn Quốc-Việt Nam.

Năm 2010,  Hàn Quốc sẽ tập trung đầu tư vào các ngành mà Việt Nam ưu tiên và quan tâm nhằm hỗ trợ cho việc phục hồi nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng 2009.

Đại sứ cho biết, hiện Việt Nam là nước nhận viện trợ có vốn từ quỹ hợp tác và phát triển kinh tế (EDCF) lớn nhất trong số 45 nước mà Hàn Quốc có hỗ trợ. Tính đến cuối năm 2009, có gần 30 công trình với tổng số vốn là 985 triệu USD (chiếm 19,6%) đã và đang được triển khai thực hiện.

Hàn Quốc cam kết giảm bớt thủ tục viện trợ và tăng lên tới 1 tỷ USD viện trợ EDCF cho Việt Nam trong giai đoạn 2008 - 2011. Theo đó sẽ tập trung vào các lĩnh vực: mở rộng hỗ trợ dự án xây dựng hạ tầng kinh tế lớn như cầu đường, bến cảng; đối phó với biến đổi khí hậu, môi trường… và dự án chính phủ điện tử.

Theo Đại sứ, kế hoạch năm 2010, Hàn Quốc viện trợ 300 triệu USD vốn EDCF cho Việt Nam. Trong đó, hỗ trợ Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 200 triệu USD (Dự án có tổng vốn đầu tư là 1,7 tỷ USD với chiều dài 105,5 km, cao tốc hai chiều, 6 làn xe); Dự án xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên đường cao tốc tại miền Nam 30 triệu USD (Tổng vốn dự án là 35 triệu USD).

Từ 2008, viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc cho Việt Nam đạt khoảng 17,5 triệu USD.

Tính từ năm 1991 đến năm 2009, tổng viện trợ  không hoàn lại của Hàn Quốc dành cho Việt Nam đạt 108,63 triệu USD.

Về viện trợ không hoàn lại (ODA), năm 2010, Hàn Quốc cam kết viện trợ cho Việt Nam 19,68 triệu USD. Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc luôn đánh giá cao hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam.

Tại Diễn đàn Phát triển kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 10/2009, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết nâng mức viện trợ ODA cho Việt Nam lên 0,25% GDP trong thời gian tới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak cho biết, Việt Nam có điểm khác biệt rõ ràng so với những nước đang phát triển. Ở nhiều nước họ chỉ quan tâm đến khía cạnh viện trợ tài chính trong khi Việt Nam rất quan tâm việc chia sẻ kinh nghiệm từ các nước và Hàn Quốc. Các cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng cho thấy có rất nhiều điểm có thể học tập được từ Việt Nam.

Cũng tại buổi gặp mặt, Đại sứ  Park Suk Hwan cho biết: Hàng năm, có trên 500.000 người dân hai nước qua lại thăm viếng lẫn nhau.

Hiện nay có khoảng 90.000 người Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam và người Việt Nam cư trú tại Hàn Quốc cũng luôn thuộc tốp đầu.

Việt Nam và Hàn Quốc cũng có rất nhiều điểm tương đồng trên nhiều lĩnh vực như ngoại hình của người dân hai nước, văn hóa và phương thức sinh hoạt ảnh hưởng từ Nho giáo, ngôn ngữ cũng hình thành bắt nguồn từ chữ Hán.

Những điểm tương đồng này là lý do vì sao “Làn sóng Hàn Quốc” được yêu thích tại Việt Nam và “hát quan họ” của Việt Nam trở nên gần gũi với người dân Hàn Quốc./.

Đại sứ Hàn Quốc Park Suk Hwan: "Tôi cảm nhận rõ trách nhiệm quan trọng của mình trên cương vị Đại sứ tại Việt Nam khi mà quan hệ hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đã được nâng tầm lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”.

Với tư cách là một nhà ngoại giao, tôi sẽ nỗ lực hết mình cho sự phát triển quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” của hai nước trên thực tế, để những cam kết giữa nhà lãnh đạo cấp cao hai nước đã được đề cập đến trong “Tuyên bố chung Việt - Hàn” như đối thoại chiến lược Hàn - Việt, xây dựng ủy ban kinh tế chung hai nước, thiết lập FTA theo nhóm nghề, các chuyến thăm cấp cao hai bên… được thực thi một cách hiệu quả nhất.

Đại sứ quán Hàn Quốc sẽ nỗ lực để tháo gỡ những khó khăn và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp Hàn Quốc khi tiến tới thị trường Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều để cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài nhưng trên thực tế vẫn còn những khó khăn về điều kiện đầu tư. Chúng tôi sẽ cố gắng để thực hiện vai trò cầu nối giữa chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc”.

Đặng Khanh

(http://vovnews.vn/)