Tăng xuất, giảm nhập hàng hoá từ Trung Quốc

19/06/2010 04:54

Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm trong quan hệ thương mại giữa hai nước là mất cân bằng cán cân thương mại.

Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc, giá trị nhập siêu không ngừng tăng. Và một trong những biện pháp quan trọng để giảm bớt tình trạng nhập siêu lớn của Việt Nam từ Trung Quốc hiện nay là đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2010 kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với Trung Quốc đã đạt 9.693 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2009 và chiếm 16,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Cụ thể, trị giá hàng hoá Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc trong 5 tháng qua là 7.373 triệu USD, tăng 32% và kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường này đạt 2.320 triệu USD tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2009.

Theo con số này, mức thâm hụt thương mại của Việt Nam từ Trung Quốc đã lên tới 5.053 triệu USD, gấp hơn 2 lần kim ngạch xuất khẩu và là thị trường mà Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn nhất.

Góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm là do trị giá xuất khẩu một số mặt hàng tăng đột biến. Đứng đầu là xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 119 triệu USD, tăng gần 2 lần; tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 172 triệu USD, tăng 126,9%; cà phê đạt 14 triệu USD, tăng 75%; Cao su đạt 315 triệu USD, tăng 74,8%; giày dép đạt 55 triệu USD, tăng 50,3% so với cùng thời kỳ một năm trước đó.

Như vậy, nếu chỉ tính theo thị trường xuất khẩu, 5 tháng đầu năm 2010 Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với mặt hàng than đá và cao su của các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2010, lượng cao su xuất sang Trung Quốc đạt 117.000 tấn, chiếm 64,3% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; than đá đạt 6.431 tấn, chiếm 73,7% lượng than đá xuất khẩu của cả nước; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 958 tấn, chiếm 94,1% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước.

Tính từ đầu năm cho đến hết tháng 5/2010, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc tăng khá mạnh với một số mặt hàng chính như: sắt thép và sản phẩm sắt thép đạt 716 triệu USD, tăng 127,3% so với cùng kỳ năm 2009; nguyên phụ liệu dệt may, da, giầy đạt 1.132 triệu USD tăng 45,7%; xăng dầu các loại đạt đạt 545 triệu USD tăng 34.2%; hoá chất và các sản phẩm hoá chất đạt 343 triệu USD, tăng 33,1%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 125 triệu USD, tăng 54%; linh kiện, phụ tùng ô tô đạt 135 triệu USD, tăng 32,4%.

Tổng Cục Hải quan cho rằng, để quan hệ thương mại phát triển thực sự bền vững, Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin và dành cho nhau những ưu đãi mậu dịch để tiến tới cân bằng cán cân ngoại thương, tận dụng tối đa ưu thế của từng nước.

Việt Nam cần phải tiếp tục chủ động tìm kiếm những mặt hàng có thế mạnh để gia tăng xuất khẩu trên thị trường này, từng bước giảm dần nhập siêu trong thời gian tới.

Ngày 01/01/2004, Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu thực hiện cắt giảm thuế xuất nhập theo một chương trình "Thu hoạch sớm" (EH) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc đã tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển lên tầm cao hơn.

Theo Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, thực hiện lộ trình cắt giảm thuế danh mục thông thường trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), 50% tổng số dòng thuế đạt 0 - 5% vào năm 2009.

Điều đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam là cần nắm vững quy tắc xuất xứ mẫu E trong Hiệp định ACFTA để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Ngoài những sản phẩm có xuất xứ thuần túy trong nước như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, động vật sống, sản phẩm từ động vật sống, khoáng sản, sản phẩm khai thác, đánh bắt đương nhiên được hưởng thuế ưu đãi thì những sản phẩm khác phải đảm bảo quy tắc xuất xứ với hàm lượng giá trị khu vực phải đạt 40% (Trung Quốc áp dụng quy tắc cộng gộp nguyên liệu nhập khẩu phải có tối thiểu 40% hàm lượng giá trị khu vực ACFTA).

Tận dụng những ưu đãi này để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam nên có chiến lược sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và tìm đối tác thích hợp trong khu vực ACFTA.

Hơn thế nữa, theo lộ trình cam kết, từ năm 2013, 40% tổng số dòng thuế sẽ đạt 0% và 100% tổng số dòng thuế sẽ đạt 0% vào năm 2015, linh hoạt đối với 250 dòng thuế đạt 0% vào năm 2018./.

 

Ngọc Linh

(http://vovnews.vn/)