Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, thay mặt Đoàn giám sát cảm ơn các đại biểu đã dành sự quan tâm đặc biệt tới trẻ em và tới tham dự Hội thảo về “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở giáo dục” do Đoàn giám sát giao cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì tổ chức.
Trong thời gian qua, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã được các ngành, các cấp quan tâm, chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực. Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã tăng cường nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, chỉ rõ, trên thực tế tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Theo báo cáo, giai đoạn 01/01/2015 - 30/6/2019, toàn quốc đã phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại, số trẻ em bị xâm hại là 8.091 em (gồm 1.059 em nam và 7.032 em nữ). Đáng lưu ý là số trẻ em bị xâm hại đang giảm dần từ năm 2015 đến năm 2018, nhưng lại tăng đột biến trong năm 2019. Trong số trẻ em bị xâm hại, phần lớn bị xâm hại tình dục với con số 6.337/7.824 vụ (chiếm 81%), 6.432/8.091 em (chiếm 79,5%).
Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân như công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em chưa thực sự được quan tâm đúng mức, còn tồn tại những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em; ý thức chấp hành, việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm; hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em có lúc, có nơi bị bỏ lọt, bỏ qua, chậm bị xử lý; các loại thông tin, ấn phẩm, sản phẩm độc hại, không phù hợp, đặc biệt trên môi trường mạng, thông qua con đường du lịch trong thời gian dài không được ngăn chặn, kiểm soát kịp thời và không được xử lý triệt để; gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm bảo vệ trẻ em, chậm được bổ sung kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em....
Trước thực trạng xâm hại trẻ em nêu trên, Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ của toàn thể xã hội, bao gồm các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức hữu quan, gia đình và cá nhân và chính bản thân của trẻ em. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu này, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã quyết định lựa chọn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” nhằm xem xét, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; đồng thời kịp thời kiến nghị tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống xâm hại trẻ em và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến bảo vệ trẻ em./.