Toàn cảnh hội thảo
Gia đình tuy không phải là thiết chế duy nhất có vai trò, trách nhiệm giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhưng gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách, lối sống, thể chất, sức khỏe của trẻ em. Gia đình và nhà trường có mối liên hệ mật thiết với nhau trong việc giáo dục toàn diện và bảo vệ trẻ em trước những rủi ro, nguy cơ bị xâm hại, bạo lực trong gia đình, nhà trường và xã hội. Do đó, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc phối hợp với nhà trường về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ và thách thức không nhỏ. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, không đăng ký kết hôn ngày càng tăng; tệ nạn xã hội dễ dàng xâm nhập vào gia đình; tình trạng tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp; tình trạng buôn bán người, bạo lực và xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp; xuất hiện vấn đề tình dục và hôn nhân đồng giới; đặc biệt, gần đây xảy ra một số vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng, trong đó có cả những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình… phá vỡ nền tảng giá trị đạo đức truyền thống trong gia đình, làm băng hoại các chuẩn mực của đạo đức xã hội.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ kinh tế thị trường, các bậc cha mẹ phải bắt nhịp với guồng quay hối hả của cuộc sống, bị vòng xoáy của công việc níu kéo. Nhiều gia đình quá coi trọng giá trị vật chất mà quên đi giá trị tinh thần, không ý thức được vai trò, trách nhiệm của gia đình với thế hệ trẻ, phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường, trong khi việc giáo dục đạo đức, lối sống, trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng ngừa nguy cơ bị xâm hại cho học sinh ở nhà trường không thể thay thế được vai trò giáo dục của gia đình và hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Các đại biểu cho rằng, trước thực trạng xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra, có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, các vụ việc xâm hại trẻ em đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần của trẻ em. Gia đình, nhà trường và xã hội cần có biện pháp phối hợp tích cực để ngăn chặn tối đa và giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra. Sự quan tâm phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, của nhà trường mà còn nằm trong chính mỗi thành viên của mọi gia đình và toàn xã hội.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường về phòng, chống xâm hại trẻ em, các đại biểu đề xuất, gia đình cần nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động lành mạnh của trường, cộng đồng và xã hội tổ chức; không để con em bỏ học; không phó mặc, ỷ lại việc giáo dục con em mình cho nhà trường. Đồng thời quản lý, giám sát lịch trình học tập, vui chơi, giải trí, sinh hoạt của con em mình ngoài nhà trường; nắm vững diễn biến tư tưởng, đạo đức, học lực của con em, chủ động thông báo cho nhà trường và giáo viên chủ nhiệm những vấn đề không bình thường của con em mình để thống nhất biện pháp phối hợp giáo dục; chủ động nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con em mình, trên cơ sở đó, phối hợp cùng nhà trường giáo dục con em mình. Tham gia đầy đủ các cuộc họp phụ huynh, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục người học khi có yêu cầu và sự đề nghị tham gia của nhà trường; phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc, giáo dục và hỗ trợ về nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục theo khả năng của mình.
Đặc biệt, gia đình cần quan tâm việc nâng cao văn hóa ứng xử và thói quen nền nếp lành mạnh và thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình; cha mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo; người lớn phải là tấm gương trong giao tiếp, ứng xử; đảm bảo an toàn cho trẻ em từ trong gia đình, loại bỏ bạo lực gia đình. Đặc biệt, phối hợp với nhà trường cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại, chia sẻ kinh nghiệm, trò chuyện cởi mở để thấu hiểu, đồng cảm, cùng tháo gỡ vướng mắc cho con của mình.
Bên cạnh gia đình, nhà trường cần đưa nội dung, mục tiêu giáo dục trong nhà trường vào các tổ chức xã hội trong địa phương như đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh, câu lạc bộ Người cao tuổi… nhằm thống nhất định hướng tác động đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Nâng cao chất lượng giảng dạy giáo dục của toàn thể cán bộ, giáo viên trong nhà trường; phối hợp chặt chẽ với gia đình, với các tổ chức xã hội thực hiện các nội dung giáo dục và đào tạo phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ em.
Để bảo vệ trẻ em tốt hơn trên môi trường mạng, cũng như trong cơ sở giáo dục, các đại biểu cho rằng, cần phải đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự rèn luyện - bảo vệ - ứng phó nhằm giúp học sinh hiểu biết, suy nghĩ, tư duy tích cực và có thái độ, hành vi tích cực, để nhìn nhận vấn đề và giải quyết tình huống theo hướng tích cực, biết thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể; có tinh thần tự chủ, thẳng thắn, trung thực, có cách suy nghĩ, thái độ và hành vi tích cực; hình thành lối sống lành mạnh, có đạo đức, lối sống, thói quen ứng xử văn hóa, giao tiếp hiệu quả với mọi đối tượng trong nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, đưa nội dung về giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự rèn luyện, tự bảo vệ, ứng phó trong phòng, chống xâm hại trong các trường học, tùy với đặc điểm tâm sinh lý của từng bậc học. Việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự rèn luyện, tự bảo vệ, ứng phó không chỉ thực hiện trong nhà trường mà còn phải được thực hiện kết hợp với nhiều cách khác như: trong sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình; bằng nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú như: hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa, hoạt động tham quan, dã ngoại, hoạt động giao lưu, tọa đàm, chia sẻ…
Quan trọng là xây dựng và và duy trì mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên giữa gia đình và nhà trường, thông qua giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm và Ban đại diện cha mẹ học sinh, tổ/đội/nhóm liên lạc với cha mẹ học sinh bằng hình thức: gặp gỡ trực tiếp, gọi điện thoại, sổ liên lạc truyền thống hoặc điện tử, các buổi họp cha mẹ học sinh để thông báo kịp thời cho gia đình về tình hình học tập, rèn luyện và những vấn đề liên quan đến học sinh cần sự phối hợp của gia đình.
Gia đình cần thường xuyên chủ động nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con em mình, đồng thời cung cấp thông tin về tình hình học tập ở nhà, diễn biến tâm lý, tình cảm của con em mình cho nhà trường, thông qua giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm bằng các kênh khác nhau như: qua các buổi họp cha mẹ người học, qua điện thoại, sổ liên lạc, gặp gỡ trực tiếp, các dịp gặp gỡ khác với nhà trường theo yêu cầu của nhà trường... Gia đình cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em tham gia các hoạt động cộng đồng. Các gia đình trong địa bàn dân cư chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con em thông qua mối liên hệ làng xóm, sinh hoạt câu lạc bộ, họp phụ huynh, quan hệ bạn bè... Để thiết lập, duy trì và tăng cường mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội được tốt thì vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ cần chủ động xây dựng mối liên hệ và thường xuyên duy trì liên lạc, tránh tình trạng ỷ lại việc giáo dục con em mình cho nhà trường thì việc hỗ trợ con học tập và rèn luyện con em mình mới đạt hiệu quả. Đặc biệt, cần thẳng thắn chia sẻ những nguy cơ tiềm ẩn và những nguy hiểm mà con em mình đang gặp phải với nhà trường để cùng tìm phương thức tháo gỡ, giải quyết, thúc đẩy tinh thần cho người học.
Một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục. Đây chính là cầu nối giữa cha mẹ học sinh và thầy cô giáo.
Để bảo vệ trẻ em, các đại biểu nhấn mạnh, điều quan trọng là gia đình phải phố hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhà trường để bảo vệ trẻ em, trang bị những kiến thức, kỹ năng cho trẻ em ứng phó với những nguy cơ rủi ro, bị xâm hại từ trong gia đình, tới nhà trường và ngoài xã hội./.