HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

24/12/2021 14:16

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những sáng kiến, phát minh tân tiến liên tục ra đời đã làm thay đổi nhanh chóng các biểu hiện, sự tồn tại của các quan hệ thương mại điện tử. Để thích ứng, theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, cần phải có những giải pháp phù hợp để hoàn thiện và nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật thương mại điện tử.

 

 Thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu

Việc hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử phải giải quyết được các vấn đề về cả thể chế và thiết chế

Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng trên cả nước. Gần hai năm trở lại đây, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, trên quy mô toàn cầu. Nhưng thương mại điện tử vẫn tăng trưởng tốt nhờ vào tính đặc thù và những lợi ích thiết thực. Thương mại điện tử ở Việt Nam không những thuận xu hướng, mà còn tăng trưởng vượt bậc....

PGS.TS Doãn Hồng Nhung cho rằng, với xu thế phát triển kinh tế thương mại phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và sự đa dạng của hoạt động thương mại, pháp luật thương mại điện tử hiện nay chưa đáp ứng được các đòi hỏi của thực tiễn.

Trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ hoàn thiện khung pháp lý là một trong các mục tiêu tổng quát đến năm 2025. Thương mại điện tử du nhập và phát triển nhanh chóng ở Việt Nam trước  yêu cầu pháp lý để phát triển thương mại điện đã đang tiếp tục được hoàn thiện gắn với thực tiễn. Nghiên cứu và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia và hoạt động của thương mại điện tử; phù hợp với các yêu cầu đặc thù của hoạt động thương mại điện tử và thực tế hoạt động thương mại điện tử hiện nay; đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng; và đảm bảo tính tương thích với pháp luật quốc tế. 

“Hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử phải đảm bảo đủ  hai nguyên tắc sau: Mở rộng không gian cho thương mại điện tử phát triển trên nguyên tắc người dân được làm những gì pháp luật không cấm; Bảo đảm an toàn về giao dịch cho các bên trong thương mại điện tử”, PGS.TS Doãn Hồng Nhung đề xuất.

PGS. TS Doãn Hồng Nhung khẳng định trên cả khía cạnh quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật, việc hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử phải giải quyết được các vấn đề về cả thể chế và thiết chế. Do đó, theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung pháp luật thương mại điện tử phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý sau: (1) Khuôn khổ pháp lý phải đảm bảo cho sự tham gia của mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ; (2) Khuôn khổ pháp lý phải đảm bảo yêu cầu về tính dự liệu cho sự phát triển và xâm nhập của thương mại điện tử; (3) Thương mại điện tử phải phù hợp với các yêu cầu đặc thù của hoạt động thương mại điện tử và thực tế hoạt động thương mại điện tử; (4)Đảm bảo nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại; (5) Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp, ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản. Hoàn thiện pháp luật kinh tế, thương mại, ngân hàng, chứng khoán; (6) Cần có quy chế pháp lý riêng cho việc quản lý mạng xã hội và website, sàn giao dịch thương mại điện tử; (7) Pháp luật thương mại điện tử Việt Nam phải đảm bảo tính tương thích với pháp luật quốc tế;…

PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội

Kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử

PGS. TS Doãn Hồng Nhung đề xuất 03 nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử, gồm: Giải pháp hoàn thiện pháp luật; giải pháp hoàn thiện tổ chức thực hiện và các giải pháp hỗ trợ. “Pháp luật hoạt động thương mại điện tử hiện nay ở Việt Nam cần được pháp điển để tạo thành một khung khổ pháp luật có tính thống nhất tính đồng bộ, khoa học và hiệu quả khi áp dụng. Trong bối cảnh này, việc ban hành một đạo luật riêng biệt về hoạt động thương mại điện tử hiện nay là rất cần thiết”, PGS. TS Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh.

Giải pháp hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, cần phải có một hành lang pháp lý đầy đủ phân định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể tham gia  thương mại điện tử ở tất cả các công đoạn của giao dịch thương mại mà tính an toàn, độ tin cậy bị đe dọa như máy trạm, máy chủ, đường truyền... Mặt khác, pháp luật cũng cần có quy định về nhận thức của các chủ thể tham gia giao dịch phải tự bảo vệ mình bằng các biện pháp kỹ thuật.

Thứ hai, cần bổ sung chế tài đủ mạnh để trừng trị thích đáng đáng đối với những hành vi tiêu cực của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong thương mại điện tử như việc lộ, lọt thông tin khách hàng; việc quảng cáo tràn lan, không đúng sự thật, sử dụng công nghệ thương mại chiếm đoạt tài sản của khách hành, gây rối;

Thứ ba, để xác định được độ tin cậy của chữ ký điện tử, pháp luật cũng cần quy định một cơ quan trung gian có thẩm quyền chứng thực tính xác thực và đảm bảo độ tin cậy của chữ ký điện tử. Tính hợp pháp trong thương mại điện tử còn đòi hỏi ở việc phải đảm bảo tính bảo mật và tôn trọng quyền riêng tư. Cá nhân được quyền đảm bảo bí mật các thông tin về đời tư. Khi thực hiện các giao dịch thương mại điện tử.

Thứ tư, cần nghiên cứu ban hành chế tài đối với hành vi “ Gian lận thương mại điện tử ” phát hiện nhiều đường dây, tổ chức, cá nhân có hoạt động thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân trái phép. Hoạt động này diễn ra phổ biến, đặt ra thách thức đối với an ninh dữ liệu quốc gia, uy tín của doanh nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân phá đường dây có hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân với tính chất, mức độ và số lượng lớn.

Thứ năm, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử quốc gia, ASEAN tiếp tục đưa ra các sáng kiến bổ sung về phát triển Công nghệ thông tin - truyền thông, Logistics, kết nối thủ tục hải quan, tiêu chuẩn hoá đơn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của thương mại điện tử trong khu vực như Kế hoạch tổng thể về Công nghệ thông tin - truyền thông của ASEAN (AIM) 2015 và AIM 2020, Lộ trình hội nhập ngành logistics ASEAN (RILS)…

Giải pháp hoàn thiện tổ chức thực hiện

Thứ nhất, tăng cường năng lực và hiệu quả công tác của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Thứ hai, giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) sẽ là giải pháp hữu ích, tạo thuận lợi cho các bên tranh chấp giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam ngày càng vươn xa.

Hiện nay, ở một số quốc gia phát triển thì ODR đã vượt ra khỏi phạm vi tranh chấp thương mại điện tử, ODR còn được áp dụng cho các tranh chấp tại Tòa án. Khi đó ODR là một không gian kỹ thuật số đối mặt công khai, trong đó các bên có thể triệu tập để giải quyết tranh chấp hoặc vụ việc của họ. Việc thiết kế và triển khai các chương trình ODR liên quan đến Tòa án không được làm giảm quy trình tố tụng hoặc khả năng tiếp cận công lý cho người sử dụng chương trình.

Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế về thương mại điện tử và các lĩnh vực liên quan. Do là nước tiếp cận muộn hơn, có xuất phát điểm về thương mại điện tử thấp hơn nên Việt Nam cần hợp tác quốc tế về thương mại điện tử để bắt kịp sự phát triển của thế giới trong lĩnh vực này, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý thương mại điện tử phù hợp với yêu cầu hội nhập

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về lĩnh vực thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn. Để có thể nắm bắt và kịp thời xử lý các vi phạm thì công tác kiểm tra, kiểm soát phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử để triệt tiêu tận gốc những vi phạm trong thương mại điện tử bởi khi thực hiện việc đăng ký và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp hay thương nhân có đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của mình đối với người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quan hệ thương mại điện tử ở Việt Nam có hiệu quả;

Ngoài ra, PGS.TS Doãn Hồng Nhung cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ khác như: Nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của các chủ thể trong quan hệ thương mại điện tử; Tuyên truyền việc tuân thủ pháp luật thương mại điện tử của các chủ thể tham gia quan hệ thương mại điện tử; Tăng cường xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bán sản phẩm hàng hóa trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, trên các trang web bán hàng, trên các trang mạng xã hội nước ngoài (Facebook, Youtube, Zalo..); Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại điện tử. ..../.

 

Lê Anh - Vũ Hà