Ngày 28-11, Quốc hội sẽ phê chuẩn việc gia nhập WTO của Việt Nam

18/11/2006 12:35

Theo dự kiến, ngày 28-11-2006, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI sẽ chính thức xem xét và phê chuẩn kết quả đàm phán gia nhập WTO và Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam, trên cơ sở Tờ trình của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão cho biết: Báo cáo thẩm tra có bốn nội dung lớn:

I- Sự cần thiết của việc phê chuẩn;

II- Quá trình chuẩn bị và đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam;

III- Cơ hội và thách thức;

IV- Những công việc cần làm sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO.

Cơ hội của Việt Nam, báo cáo thẩm tra chỉ rõ, đó là: Mở rộng thị trường; tăng cường thu hút đầu tư, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm; sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để bảo vệ lợi ích của quốc gia; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật.

Tuy nhiên, gia nhập WTO, Việt Nam cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức không chỉ về cạnh tranh kinh tế, mà còn là vấn đề an ninh quốc gia, giải quyết các vấn đề xã hội.

Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc nhanh chóng triển khai việc xây dựng văn bản dưới luật nhằm thực hiện các cam kết; đồng thời chú trọng công tác cải cách hành chính, đào tạo nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động và cải thiện hệ thống an sinh xã hội, nhằm giảm thiểu khó khăn của chuyển dịch kinh tế trong thời kỳ hậu WTO.

Tham dự toạ đàm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể nhằm hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội. Đề nghị báo cáo tập trung nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử và thành công lớn của Việt Nam trên mặt trận đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế; nhưng đồng thời báo cáo cũng phải làm rõ vì sao quá trình đàm phán và gia nhập WTO của Việt Nam lại diễn ra với thời gian gần 12 năm!

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: Trong quá trình đàm phán gần 12 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã phải trả lời và giải trình khoảng 3.500 câu hỏi của các nước có liên quan.

Có đại biểu đề nghị: Báo cáo thẩm tra cần tập trung vào hai nhóm đối tượng là: Kết quả đàm phán và Nghị định thư. Nội dung của các bản cam kết và quá trình thực hiện cam kết giữa Việt Nam và các nước thành viên WTO. Đó chính là những nội dung rất quan trọng và cần thiết để Quốc hội và các đại biểu quốc hội xem xét, phê chuẩn.

Theo dự kiến, ngày 28-11-2006, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI sẽ chính thức xem xét và phê chuẩn kết quả đàm phán gia nhập WTO và Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam, trên cơ sở Tờ trình của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Nguồn: cpv.org.vn