Việt Nam hội nhập sâu vào đời sống chính trị kinh tế quốc tế

26/09/2007 00:24

Khoá họp lần thứ 62 ĐHĐ LHQ, đặc biệt là phiên thảo luận chung cấp cao, sẽ đánh dấu tiến trình hội nhập sâu rộng và đầy đủ của Việt Nam vào đời sống chính trị và kinh tế quốc tế.

(VOV)_ Từ ngày 24-28/9/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn Chính phủ Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khoá họp thường niên lần thứ 62 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ). Tại diễn đàn quốc tế quan trọng nhất hành tinh này sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Thông điệp của Việt Nam, được Người đứng đầu Chính phủ nước ta đưa ra nhân các sự kiện có ý nghĩa này là: Tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Khóa họp lần thứ 62 ĐHĐ LHQ năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh và chính trị thế giới diễn biến nhanh và phức tạp. Khủng hoảng xung đột khu vực, nguy cơ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, chống khủng bố, vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, tiếp tục là những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Bởi vậy, tại phiên họp chung cấp cao, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận những vấn đề này, nhằm đưa ra những định hướng lớn giải quyết. Hòa bình và an ninh thế giới phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực đó của các nước. Tổng thư ký LHQ ông Ban Ki Moon, khi phát biểu với các nhà báo đã khẳng định rằng, các cuộc thảo luận chung tại ĐHĐ LHQ năm nay sẽ đánh dấu một thời kỳ hoạt động ngoại giao đa phương sôi động chưa từng thấy trong lịch sử tổ chức quốc tế rộng lớn này. Chính vì vậy, đối với Việt Nam, khoá họp 62 ĐHĐ LHQ cũng như  phiên thảo luận chung cấp cao của khoá họp năm nay có ý nghĩa quan trọng. Sự kiện này còn đặc biệt có ý  nghĩa với Việt Nam, khi vào ngày 16/10 tới, tại Diễn đàn này, sẽ diễn ra việc bỏ phiếu bầu Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Là thành viên chính thức của LHQ từ ngày 20/9/1977, 30 năm qua, Việt Nam đã chủ động và tham gia tích cực các hoạt động chung của LHQ, trên nhiều lĩnh vực liên quan đến hoà bình an ninh, giải trừ quân bị, cũng như phát triển kinh tế - xã hội, dân số, bảo vệ môi trường, cải tổ LHQ. Những tham gia và đóng góp của Việt Nam đã được LHQ đánh giá cao, thể hiện ở việc trong những năm qua, Việt Nam được bầu là thành viên Ban điều hành của Tổ chức Phát triển LHQ, thành viên Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ. Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam trong cuộc gặp gỡ với các phóng viên Việt Nam cuối tuần qua nhận định, LHQ và Việt Nam đã tạo dựng được quan hệ đối tác tích cực, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Quan hệ đối tác này vừa là những thành tựu to lớn của Việt Nam, vừa giúp LHQ thực hiện vai trò của mình.

Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu ấn tượng về chỉ số phát triển con người, thu nhập bình quân, xoá đói giảm nghèo… Mà nguyên nhân chính là nhờ liên tục nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn đạt trên mức 7%, đời sống chính trị ổn định, xã hội bình yên.

Thực tế quan hệ tích cực Việt Nam và LHQ, những thành tựu trong xây dựng và phát triển kinh tế của Việt Nam, làm nên sự tin tưởng và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của các nước châu Á, khi đề cử Việt Nam vào ghế Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ hai năm tới.

Trước khi có được niềm vinh dự và trách nhiệm to lớn này, Việt Nam cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng tại khu vực và quốc tế, thể  hiện vai trò ngày càng lớn của Việt Nam trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – TBD (APEC), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), khu vực Mekong… Việc ứng cử vào Hội đồng Bảo an, sẽ thực sự là một bước tiến lớn trên con đưòng hội nhập quốc tế của Việt Nam. Các chuyên gia LHQ còn cho rằng, sự kiện này là biểu tượng của hội nhập chính trị quốc tế, tương tự như việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - biểu tượng của hội nhập kinh tế quốc tế.

Thông điệp của Việt Nam được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại phiên thảo luận chung của khóa họp lần thứ 62 ĐHĐ LHQ về: một Việt Nam tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, chính là cam kết của Việt Nam thực hiện tốt trọng trách của mình trên cương vị làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, là nỗ lực của Việt Nam tham gia sâu rộng và tích cực các công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Vì vậy, khoá họp lần thứ 62 ĐHĐ LHQ, đặc biệt là phiên thảo luận chung cấp cao, sẽ đánh dấu tiến trình hội nhập sâu rộng và đầy đủ của Việt Nam vào đời sống chính trị và kinh tế quốc tế. Đó cũng là sự công nhận  quốc tế rộng lớn và mạnh mẽ hơn dành cho Việt Nam./.

 

Vân Hương

(http://www.vovnews.vn/)