Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất và đầu tư phát triển

09/04/2008 00:30

ND- Tiếp theo cuộc làm việc của Chính phủ với 32 tỉnh, thành phố phía bắc ngày 7-4, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo 32 tỉnh, thành phố phía nam về tình hình kinh tế quý I, nêu các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng của nền kinh tế và ổn định đời sống nhân dân.

Với thế mạnh nông, lâm, thủy sản, dầu thô, công nghiệp chế biến chiếm 60% GDP, 70% kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản,  60%  kim  ngạch xuất khẩu lương thực cả nước, việc tháo gỡ vướng mắc về vốn, tín dụng, xây dựng, xuất khẩu cho các tỉnh phía nam, sẽ góp phần quan trọng trong kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Cần tập trung đầu tư vốn, tín dụng vào sản xuất, xuất khẩu, đầu tư.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đều nhất trí với tám nhóm giải pháp của Chính phủ và nêu các vướng mắc cụ thể trong xuất khẩu, trong đầu tư làm cho nông nghiệp nông thôn, nông dân ở các tỉnh phía nam phát triển như mong muốn của Ðảng, Chính phủ, đồng thời đề ra giải pháp của từng tỉnh, góp phần chống lạm phát, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu ở từng địa phương.

Phát biểu ý kiến tại  hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Nhiệm vụ kinh tế - xã hội chín tháng còn lại rất lớn. Lạm phát, thiên tai, dịch bệnh, giá cả và bộ  máy quản lý yếu kém ở một số ngành, địa phương làm cho khó khăn thêm. Doanh nghiệp phải đối phó với tình hình giá cả đầu vào, đầu ra đều tăng. Nông dân vẫn còn thiệt thòi trong thu mua, đầu tư, giá cả...

Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung lớn nhất cả nước đang có nhiều thuận lợi cả về sản xuất, thị trường, hiệu quả đầu tư, kinh doanh.

Vấn đề hiện nay là cần tập trung tăng thu, thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế bội chi. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, sẽ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Dùng chính sách thuế để giảm nhập siêu đối với các mặt hàng cụ thể. Các bộ, ngành các địa phương, cần rà soát lại các dự án đầu tư. Dồn vốn cho các dự án hiệu quả, tái tạo nhanh đồng vốn.

Tích cực cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, giảm hội họp không cần thiết trong các cơ quan nhà nước. Ngành quản lý thị trường thực hiện các biện pháp chống đầu cơ buôn lậu, ngăn chặn đầu cơ tăng giá. Nghiêm cấm và xử lý mạnh các trường hợp đầu cơ, trục lợi tăng giá vô lý.

Có biện pháp hỗ trợ các gia đình chính sách, người nghèo như nâng bảo hiểm y tế, xem xét giảm thuế cho nông dân, tiếp tục thực hiện chương trình cho vay học sinh, sinh viên, đồng thời tích cực phòng và chống các loại dịch bệnh nhằm ổn định và phát triển gia súc, gia cầm cũng như bảo vệ sức khỏe con người.

 

BĂNG CHÂU

(http://www.nhandan.com.vn/)