XÂY DỰNG HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH PHÒNG THỦ DÂN SỰ: QUẢN LÝ CHẶT CHẼ CÁC YÊU CẦU VỀ CHẤT LƯỢNG VÀ ĐẢM BẢO AN NINH

30/11/2022 18:19

Thảo luận về Dự án Luật Phòng thủ dân sự tại Kỳ họp thứ 4, các đại biểu cơ bản tán thành các căn cứ cần thiết ban hành Luật. Đồng thời, theo các đại biểu, việc xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự cần quản lý chặt chẽ các yêu cầu về chất lượng và đảm bảo an ninh.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Nội dung về xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự được thiết kế tại Điều 12 của Dự thảo luật. Theo đó, công trình phòng thủ dân sự là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng phục vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố.

Hệ thống công trình phòng thủ dân sự gồm: Hệ thống cảnh báo, thông báo, báo động; công trình trú ẩn cho nhân dân; công trình đê điều; khu neo đậu tầu thuyền tránh trú bão; hệ thống kho dự trữ quốc gia; công trình bảo vệ, cất giữ lương thực, thực phẩm, thuốc, vật tư; công trình cất giữ phương tiện phòng thủ dân sự; công trình bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự.

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó, đảm bảo an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Góp ý cụ thể về nội dung xây dựng công trình phòng thủ dân sự, đại biểu chỉ ra rằng, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 12 dự thảo luật "công trình phòng thủ dân sự là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, phục vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố". Hệ thống công trình này bao gồm hệ thống cảnh báo, thông báo, báo động, công trình trú ẩn cho Nhân dân, công trình đê điều, khu neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão, hệ thống kho dự trữ quốc gia, công trình bảo vệ, cất giữ lương thực, thực phẩm, thuốc, vật tư, công trình cất giữ phương tiện phòng thủ dân sự, công trình bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự.

Theo đại biểu, với tính chất đặc thù của hệ thống công trình phòng thủ dân sự thì cần thiết phải có các quy định để quản lý chặt chẽ việc xây dựng các công trình này, nhất là yêu cầu về đầu tư xây dựng, yêu cầu về chất lượng công trình và yêu cầu về đảm bảo an ninh, quốc phòng. Điều 12 dự thảo luật chưa làm rõ được các vấn đề này, đề nghị xem xét bổ sung.

Đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Cùng mối quan tâm, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu rõ, tại khoản 3 Điều 12 quy định về xây dựng công trình phòng thủ dân sự ở từng cấp phải gắn với thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, triệt để tận dụng các hang động, địa hình, công trình đường hầm, công trình ngầm là hầm trú ẩn cho Nhân dân. Cơ quan tổ chức nên xem lại có phù hợp với các công trình chuyên dùng của các bộ, ngành như công trình dự báo, cảnh báo, khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão, công trình đê điều. Vì quy định như vậy không rõ các công trình như hệ thống cảnh báo, thông báo động, công trình đê điều, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão nêu tại khoản 2 Điều 12 sẽ xử lý như thế nào sau khi Luật Phòng thủ dân dự được ban hành?

Liên quan đến nội dung này, một số ý kiến đại biểu khác cũng nhận định, nội dung giải thích công trình phòng thủ dân sự tại khoản 1 còn rộng, chưa có tiêu chí để phân loại các dạng công trình phòng thủ dân sự nên dễ chồng chéo với quy định của pháp luật có liên quan. Mặt khác, pháp luật về quy hoạch, xây dựng đều có quy định phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan. Một số luật khác cũng có quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiệt hại khi xảy ra thảm họa, sự cố đối với các công trình cụ thể.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát làm rõ nội dung của khái niệm công trình phòng thủ dân sự, tiêu chí, cách phân loại gắn với từng loại công trình, yêu cầu khi xây dựng công trình phòng thủ dân sự để bảo đảm tính khả thi, tránh phát sinh thủ tục, nghĩa vụ cho chủ đầu tư và phát huy được ý nghĩa về phòng thủ dân sự của các công trình.

Ngoài ra, các đại biểu nhấn mạnh, xây dựng, ban hành Luật Phòng thủ dân sự là để thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật toàn diện, đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt là ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 22 về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã định hướng cụ thể, đầy đủ cho việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự. Hơn nữa, phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng chống, khắc phục thảm họa, sự cố thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, nếu làm tốt công tác phòng thủ dân sự sẽ là một nhân tố quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, cũng là động lực để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực tế trong những năm qua cho thấy, các thảm họa, sự cố thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có nước ta, đặc biệt là đại dịch COVID-19 vừa qua, nhưng hệ thống pháp luật của chúng ta về phòng thủ dân sự của Nhà nước chưa bao quát hết các lĩnh vực. Vì vậy, việc ứng phó, khắc phục những sự việc trên đôi khi còn lúng túng, chưa kịp thời. Do đó, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự không chỉ đảm bảo tính thống nhất, hoàn thiện, bao quát đầy đủ các lĩnh vực mà còn mang tính chiến lược trong nhiệm vụ lập pháp để ứng phó với những bất thường của mẹ thiên nhiên, những bất cẩn của con người và bất định của thế giới đầy bất ổn.

Minh Hùng