Gia nhập WTO tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế

25/05/2010 22:40

(VOV) - Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, hội nhập kinh tế quốc tế có tác động trực tiếp và nhanh nhất đến thương mại quốc tế và đầu tư

Ngày 24/5, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội thảo "Ðánh giá tác động sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO" với sự tham dự của gần 260 đại biểu.

 

Nhiều đại biểu nguyên là lãnh đạo đoàn đàm phán quốc tế đã chia sẻ những vấn đề đang đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam sau 3 năm gia nhập tổ chức này.

 

Tác động tích cực đến tăng trưởng

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá tác động của việc gia nhập WTO tới các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, xã hội, thể chế kinh tế...

 

Báo cáo "Tác động hội nhập đối với nền kinh tế sau hai năm Việt Nam gia nhập WTO" của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho thấy Hội nhập kinh tế quốc tế có tác động trực tiếp và nhanh nhất đến thương mại quốc tế và đầu tư, từ đó lan tỏa đến sản xuất trong nước, tạo việc làm và giảm nghèo.

 

Tuy nhiên, nhiều cơ hội cũng như vô vàn thách thức từ quá trình Hội nhập kinh tế quốc tế đã xuất hiện và tồn tại đan xen nhau tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Việt Nam.

 

Theo báo cáo này, bên cạnh các tác động hữu hình như gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, hệ thống phân phối được cải thiện... việc gia nhập WTO còn có những tác động vô hình khác.

 

Chẳng hạn, nhận thức của xã hội về nhu cầu hội nhập đã có chuyển biến và gia tăng đáng kể. Cũng nhờ hội nhập mà thể chế nhà nước có sự đổi mới mạnh mẽ, hệ thống văn bản pháp luật ngày càng đồng bộ hơn. Việc giảm 30% thủ tục hành chính mà Việt Nam đang làm một phần cũng nhờ sức ép của hội nhập.

 

Theo báo cáo, năm 2007, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực từ bên trong cũng như bên ngoài nền kinh tế gắn liền với hội nhập kinh tế quốc tế. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2007 tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước đó, đạt 8,5%, mặc dù giá trên thế giới tăng cao gây áp lực lớn đến giá đầu vào của sản xuất trong nước.

 

Năm 2008, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra theo chiều trái ngược nhau. Giá nguyên liệu tăng cao tạo sức ép lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Kinh tế các nước bạn hàng chính bước vào suy thoái hoặc tăng trưởng chậm lại cũng là yếu tố ảnh hướng xấu đến xuất khẩu và FDI của Việt Nam, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

 

Mặt khác, giá dầu thô và giá lương thực - hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng như giá nhiều mặt hàng xuất khẩu khác tăng cao; thị trường xuất khẩu được mở rộng... đã tác động tích cực đến tăng trưởng.

 

Do những tác động tiêu cực ảnh hưởng lớn hơn, truyền dẫn nhanh hơn vào nền kinh tế nên tăng trưởng GDP đã chững lại chỉ đạt 6,2%.

 

Tuy nhiên, báo cáo cũng khẳng định nếu không có hội nhập kinh tế quốc tế, tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn.

 

Năm 2009, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu cùng, tăng trưởng GDP tiếp tục giảm, chỉ đạt 5,3%. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng tương đối cao so với mức tăng trưởng thấp hoặc âm của nhiều nước trên thế giới.

 

Chuyển biến mạnh về ý thức cạnh tranh

 

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã trình bày về kết quả thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ sau khi gia nhập WTO.

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, 3 năm là quãng thời gian ngắn để có sự cải thiện đáng kể về năng lực cạnh tranh, tuy nhiên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tư duy về vấn đề này.

 

Mặc dù sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam còn hạn chế so với các nước, song trong bối cảnh biến động kinh tế và khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, các sản phẩm có lợi thế của Việt Nam vẫn có được thị trường, giữ được mức tăng trưởng khá. Tuy chưa có đột biến, song xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản và công nghiệp chế biến có hàm lượng lao động cao thực sự có cơ hội tăng mạnh.

 

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết trong thời gian tới, nhiệm vụ tiếp theo của các Bộ, ngành và địa phương là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình hành động của Bộ, ngành, địa phương mình, đồng thời có báo cáo tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện Chương trình hành động trong 3 năm qua và đề xuất những điều chỉnh, bổ sung cần thiết. Về phía Bộ Công Thương, tới đây sẽ thực hiện điều tra khảo sát thực trạng thực hiện Chương trình hành động ở các Bộ, ngành và địa phương.

 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ chủ trì tổng hợp các kết quả đạt được, những đề xuất, điều chỉnh, bổ sung về Chương trình hành động của các Bộ cũng như đề nghị bổ sung điều chỉnh Nghị quyết 16.

 

Tái cấu trúc nền kinh tế vẫn là vấn đề quan trọng, cấp bách

 

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, dường như Việt Nam đang có sự lúng túng trong việc ứng phó với quá trình hội nhập trong bối cảnh khủng hoảng; chưa tận dụng hết cơ hội đã có. Ông cho rằng vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề quan trọng, cấp bách và lâu dài, nếu không làm tốt vấn đề này sẽ khó hội nhập thành công.

 

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng sau ba năm hội nhập, phải trả lời được câu hỏi năng lực hội nhập của Việt Nam như thế nào. Năm 2009 đã khẳng định năng lực phản ứng của nền kinh tế và năng lực điều hành của Chính phủ trước những biến động của nền kinh tế thế giới.

 

Tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu cho rằng, 3 năm gia nhập WTO là quãng thời gian chưa đủ dài, thêm vào đó là những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu... nên khó có thể đánh giá và nhìn nhận, bóc tách rõ ràng, đầy đủ những tác động của việc gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam.

 

Tuy nhiên, về cơ bản, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO đã có nhiều tác động tích cực như tăng GDP, tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành dịch vụ...

 

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức của hội nhập (như cạnh tranh gay gắt hơn, nhập siêu tăng, sự biến động của thị trường thế giới tác động nhanh và mạnh đến thị trường trong nước...), đồng thời rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng sau ba năm gia nhập WTO.

 

Muốn phát huy được những thuận lợi, hạn chế khó khăn thách thức, các chuyên gia cho rằng, cần tăng tốc cải cách, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các ngành, các doanh nghiệp.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết nội dung của hội thảo sẽ được ban tổ chức tiếp thu và trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tới đây./.

T.Hà

(http://vovnews.vn)