XEM XÉT KỸ LƯỠNG VIỆC QUY ĐỊNH VỀ CHỦ ĐẦU TƯ NHÀ Ở XÃ HỘI, NHÀ LƯU TRÚ CHO CÔNG NHÂN

26/06/2023 15:52

Nhằm góp phần thúc đẩy việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm, Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét kỹ lưỡng việc quy định cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân…

QUYẾT LIỆT CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI, NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN

NÂNG CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH TRONG VIỆC BỐ TRÍ QUỸ ĐẤT PHÙ HỢP ĐỂ XÂY DỰNG NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN

Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ công nhân với thu nhập thấp có nhà ở để yên tâm sinh sống, làm việc tại các khu công nghiệp nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội cho đất nước là chủ trương luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm. Đây cũng là một trong những nội dung được đưa vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp thứ 5 và tiếp tục cho ý kiến ở kỳ họp thứ 6 tới.

Điểm mới đáng lưu ý trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 3 Điều 81 và khoản 3 Điều 89). Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, liên quan đến việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, Ủy ban Pháp luật tán thành cần có chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp để thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Tuy nhiên, về việc xây dựng nhà lưu trú công nhân ở trong hàng rào khu công nghiệp, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ một số nội dung, đồng thời có giải pháp bảo đảm tính khả thi và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể như: Quy định của dự án Luật chưa thống nhất với quy định của Luật Đầu tư và Luật Đất đai hiện hành về việc quy hoạch, xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ cho người lao động nằm ngoài khu công nghiệp. Việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp cần nghiên cứu, giải quyết đồng bộ các vấn đề như: Bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong khu công nghiệp, nhất là những khu công nghiệp lớn, có đông người lao động làm việc; Quản lý hành chính về trật tự và an ninh chính trị trong khu công nghiệp trong điều kiện đẩy mạnh hội nhập quốc tế, ngày càng có nhiều người lao động nước ngoài đến làm việc trong các khu công nghiệp tại Việt Nam… Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cần thực hiện thống nhất theo khoản 10 Điều 201 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Liên quan quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thì cần làm rõ tài chính dành cho các dự án đầu tư này sẽ lấy từ nguồn nào, từ kinh phí do đoàn viên công đoàn đóng, từ kinh phí 2% do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng hay bằng nguồn vốn đầu tư công do ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ… Vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ nội dung này, xác định trách nhiệm về những rủi ro tài chính (nếu có) khi thực hiện dự án đầu tư, đồng thời đề xuất sửa đổi đồng bộ quy định của các luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đóng ý kiến vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban soạn cân nhắc nội dung khoản 3 Điều 81 và khoản 3 Điều 89 về quy định Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là nhà đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân lao động mà nên giao về cho địa phương cho phù hợp chức năng quản lý nhà nước.

Về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân (Điều 94), đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, điều luật này hiện chưa giao trách nhiệm cụ thể và nhất quán cho cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế tham mưu trình UBND cấp tỉnh xác định chủ đầu tư nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp trên địa bàn do UBND thực hiện đầu tư xây dựng. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi khoản 3 Điều 94 thành: “Đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 89 của Luật này thì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cấp tỉnh chủ trì, phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh trình UBND cấp tỉnh xác định chủ đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư công và pháp luật xây dựng”.

Về phía đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, việc quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là chưa đầy đủ, có thể dẫn đến không khả thi trong triển khai thực tế. Ở đây chưa làm rõ được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư là với vai trò, tư cách như thế nào. Tài sản là nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư là để kinh doanh, hay là tài sản công, tài sản của Nhà nước. Sau khi đầu tư rồi thì việc quản lý, sử dụng, cho thuê như thế nào?

Với những lý lẽ nêu trên, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét kỹ lưỡng việc quy định cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Trước những ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: Quy định về nhà ở công nhân hiện nay cơ bản giống với nhà ở xã hội bán cho các đối tượng khác như được xây dựng trên đất ở, bán cho đối tượng công nhân và gia đình ở lâu dài, có thể cấp quyền sử dụng đất, được hưởng các hỗ trợ ưu đãi, trình tự đầu tư xây dựng thủ tục mua bán cũng tương tự như nhà ở xã hội. Còn nhà lưu trú công nhân theo dự án Luật là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê, lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, việc bố trí nhà lưu trú công nhân trên đất dịch vụ khu công nghiệp giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp như thủ tục đầu tư xây dựng rút gọn do đồng bộ với khu công nghiệp; chi phí đầu tư và chi phí quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân sẽ giảm do giảm được chi phí hạ tầng; thuận tiện cho công nhân trong sinh hoạt; tiết kiệm thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông; đảm bảo về môi trường sinh hoạt an ninh, an toàn và đảm bảo đầy đủ các khu chức năng, không gian phục vụ cho nhu cầu lưu trú bao gồm y tế, sinh hoạt, văn hóa, sân chơi, thể dục thể thao, dịch vụ, tiện ích công cộng...

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Công đoàn năm 2012.

Liên quan đến nhiều nội dung khác của nhà ở xã hội, của phát triển nhà ở xã hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến báo cáo Chính phủ tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội như trong Báo cáo số 119 ngày 16/6/2023. Đồng thời sẽ nghiên cứu thể hiện khái niệm nội hàm cho rõ hơn trong quá trình hoàn thiện dự án luật./.

Bích Lan