THẢO LUẬN TỔ 18: CẦN SỚM BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

17/01/2024 20:00

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, thảo luận tại Tổ 18 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Trà Vinh về Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu đã phân tích những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ rõ nguyên nhân từ việc chưa phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình. Do đó các đại biểu đề nghị bám sát những vướng mắc đã được chỉ ra để quy định cụ thể các chính sách, hướng dẫn thực hiện và thời gian áp dụng.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/01: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 18 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Trà Vinh

Phát biểu tại Tổ, đại biểu Vũ Xuân Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khẳng định các chương trình mục tiêu quốc gia đã đem lại những kết quả rất quan trọng và rất tích cực trong việc xây dựng, phát triển nông dân, giảm nghèo, cải thiện an sinh, đời sống vật chất, tinh thần và cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiếu số, vùng miền núi. Sau khi các Chương trình được triển khai thực hiện cùng với những chính sách đồng bộ của Đảng và Nhà nước thì tỷ lệ hộ nghèo của toàn quốc đã giảm, nhất là tỷ lệ nghèo đa chiều. Nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt được những thành quả tích cực. Cả nước có trên 1.300 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và 20 tỉnh có 100% các xã đạt nông thôn mới. Có 5 tỉnh đã được Trung ương duyệt là đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh. Qua đó khẳng định bộ mặt miền núi, nông thôn đã chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trong việc triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia và qua giám sát đã cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, Quốc hội cũng đã đồng hành với Chính phủ để Chính phủ trình Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu

Bày tán thành cao với đề xuất của Chính phủ, đại biểu Vũ Xuân Hùng nêu rõ việc ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc sau khi 3 chương trình mục tiêu quốc gia được phê duyệt, triển khai đã có rất nhiều văn bản của Trung ương và địa phương với trên 100 văn bản để hướng dẫn triển khai nhưng thực tế địa phương vẫn gặp khó trong triển khai thực hiện, gây khó hiểu đối với cán bộ cơ sở. Với quá nhiều dẫn chiếu, lẫn nhau nên các địa phương không thể thực hiện được. Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng có cơ chế nhằm gỡ khó về thủ tục, mẫu biểu hồ sơ để thực hiện các chương trình, vì theo quy định của luật thì chỉ có Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mới được ban hành và hiện nay còn 8 địa phương chưa ban hành trình tự, thủ tục. Tháo gỡ cơ chế sử dụng ngân sách, nhất là việc phân bổ, giao dự toán về kế hoạch ngân sách cho các chương trình. Có chương trình giao tổng vốn, có chương trình giao chi tiết đến từng dự án thành phần cho nên việc điều chỉnh để thực hiện trong các chương trình hoặc giữa các chương trình là rất khó. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các chương trình cũng gặp vướng do liên quan đến nhiều luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công…Qua giám sát cũng cho thấy việc thực hiện theo mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội về lồng ghép của Trung ương với địa phương trong các chương trình gần như bằng không.

Từ thực tế trên, đại biểu Vũ Xuân Hùng bày tỏ tán thành cao với các chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết, nhấn mạnh chính sách về điều chỉnh, phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các chương trình thể hiện được phân cấp, phân quyền rõ cho địa phương, để cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận Tổ

Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Xuân Hùng, với 8 chính sách trong dự thảo Nghị quyết thì chỉ có khoảng 4 chính sách đã rõ, tạo thuận lợi cho địa phương có thể thực hiện được ngay như cơ chế chính sách về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội.

Trong khi đó, còn lại khoảng 4 chính sách khác nhìn từ phía địa phương còn khó triển khai như cơ chế, chính sách về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất…vấn đề liên quan đến quản lý tài sản công, chính trong Tờ trình của Chính phủ vẫn còn thiết kế 2 phương án cho thấy có những băn khoăn, nếu như chưa có đánh giá tác động kỹ lưỡng sau này triển khai dễ gây thất thoát trong quản lý tài sản công, đại biểu Vũ Xuân Hùng nêu vấn đề.

Ngoài ra, đối với cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Vũ Xuân Hùng cho rằng thời gian triển khai thực hiện còn rất ngắn, nếu phân cấp cho cấp huyện mà không có hướng dẫn rõ và không có nguyên tắc thì các địa phương được phân cấp cũng không dám làm. Do đó, đại biểu cho rằng nên chọn thí điểm để thực hiện cùng với việc có hướng dẫn cụ thể, có nguyên tắc, tiêu chí, sau đó có đánh giá tổng kết để làm cơ sở đưa vào xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn sau 2026-2030 sẽ bảo đảm khả thi và hiệu quả hơn.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu

Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh chỉ rõ, qua tổ chức triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia xác định được hai tồn tại, hạn chế, bất cập dẫn đến giải ngân không tốt và giải ngân kém hiệu quả. Đó là, sự phân cấp, phân quyền của Trung ương đối với địa phương trong việc phân bổ nguồn vốn ngân sách để thực hiện 3 chương trình này. Hai là do chậm và hoặc rất chậm ban hành các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chương trình này. Do vậy, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, về mặt quan điểm, nội dung của nghị quyết phải bám chặt vào hai hạn chế trên để tháo gỡ.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị cần phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương, phải rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm. Đại biểu đề xuất cần phải giao quyền hạn cho Hội đồng nhân dân tỉnh có thẩm quyền được quyền điều chỉnh cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia để có thể sử dụng vốn của chương trình mục tiêu quốc gia này điều chỉnh qua các chương trình tiêu quốc gia khác, đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng địa bàn và đúng mục tiêu. Khi đó, địa phương sẽ chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh vốn thực hiện 3 chương trình. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ về thời gian ban hành các văn bản hướng dẫn để thực hiện các nội dung của Nghị quyết này.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải phát biểu

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải cho rằng quy định nghị quyết này có hiệu lực đến khi có nghị quyết mới thay thế là không phù hợp. Đại biểu lý giải, nghị quyết này được ban hành để để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong 3 chương trình này thì chương trình nông thôn mới và chương trình giảm nghèo là 2 chương trình đã thực hiện ở giai đoạn trước, đã có kinh nghiệm, những tồn tại hạn chế không lớn. Nhưng đối với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gặp nhiều vướng mắc. Các chương trình này thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, theo đại biểu Mai Văn Hải, nên xác định thời gian áp dụng thực hiện Nghị quyết này đến năm 2025. Còn giai đoạn sau, đến cuối năm 2025, Quốc hội sẽ bàn và quyết định chủ trương về 3 chương trình này. Nếu cứ giữ cơ chế này cho đến giai đoạn sau sẽ chưa phù hợp.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng cho rằng nếu quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn các dự án phát triển sản xuất trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia sẽ dễ dẫn đến tình trạng mỗi địa phương thực hiện theo một trình tự, thủ tục khác nhau với các tiêu chí, mẫu hồ sơ khác nhau. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định Chính phủ giao cho các bộ, ngành Trung ương ban hành chung hướng dẫn về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách để triển khai và áp dụng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 18:

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Ngô Chí Cường điều hành phiên thảo luận tại Tổ 18

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận Tổ

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải phát biểu 

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu

Các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ.

Bảo Yến

Other news