BẢO ĐẢM TINH THẦN THƯỢNG TÔN HIẾN PHÁP TRONG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

25/01/2024 19:24

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Viện Nhà nước và pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay đặt ra nhiều nhiệm vụ đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Theo đó, việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần tiến hành quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, nhưng có bước đi thích hợp đảm bảo tuân thủ Hiến pháp.

Quốc hội khóa XV

Qua gần 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã thực hiện tốt sứ mệnh quan trọng mà Đảng và Nhân dân giao phó là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ lập hiến, lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Bước vào giai đoạn phát triển mới với những nhiệm vụ, mục tiêu to lớn được đề ra trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa…”. Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động để luôn là một Quốc hội “đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân”.

Với tinh thần đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đã xác định: “Tiếp tục xây dựng Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Để thực hiện được định hướng quan trọng nêu trên, việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong bối cảnh mới cần tiến hành quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, nhưng có bước đi thích hợp đảm bảo tuân thủ Hiến pháp.

Đảm bảo tinh thần thượng tôn Hiến pháp

Nghiên cứu về nội dung này, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, thượng tôn pháp luật là một giá trị có tính phổ biến, là đại diện cho tính công bằng và đảm bảo công lý, xuất phát từ bản chất của pháp luật là đại lượng chung thể hiện ý chí của xã hội . Trong hệ thống pháp luật, Hiến pháp là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, là cơ sở cho việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác, do đó, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật ngày nay đã trở thành một trong những nội dung căn bản của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta.

Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật được ghi nhận tại Điều 8 Hiến pháp năm 2013 “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”. Trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nội dung của yêu cầu về thượng tôn Hiến pháp và pháp luật được cụ thể như sau:

Thứ nhất, các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Quốc hội được thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật.

Thứ hai, Quốc hội thực hiện vai trò tổ chức thi hành và đưa Hiến pháp và pháp luật vào đời sống xã hội.

Thứ ba, trong phạm vi quyền lực được trao, Quốc hội thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước đảm bảo việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

 TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Viện Nhà nước và pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tổ chức và hoạt động của Quốc hội được thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật

Cũng theo TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, đặc trưng và là thuộc tính cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền là dân chủ, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Theo đó, bất kỳ nhà nước pháp quyền nào cũng đảm bảo tính chính đáng của quyền lực nhà nước thông qua phương thức bầu cử phổ thông, bình đẳng và trực tiếp trong đó có Quốc hội (Nghị viện) là cơ quan đại diện cao nhất cho quyền lực nhân dân. Hiến pháp là văn bản quy định các vấn đề về cách thức thành lập nên Quốc hội như chế độ bầu cử, vị trí và chức năng của Quốc hội.

Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước  và việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bằng việc quy định về thể thức tạo lập nên cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, việc đảm bảo dân chủ như là một giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền được thực hiện trong suốt lịch sử hình thành và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Về tổ chức, Quốc hội bao gồm đại biểu quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng không chỉ của nhân dân tại địa phương đã bầu ra mình mà đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc hội gồm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội với chức năng nhiệm vụ mang tính chất tổ chức, điều hành, đảm bảo cho hoạt động bình thường của Quốc hội như công bố, chủ trì bầu cử đại biểu Quốc hội, tổ chức, chuẩn bị, triệu tập, chủ trì cuộc họp…) và những nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc thực hiện các chức năng của Quốc hội.

Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội và có chức năng thẩm tra, giám sát, kiến nghị, trình dự án luật và chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc được chuyển đến công tác tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các nhiệm vụ cụ thể của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội được quy định cụ thể trong chương V Hiến pháp năm 2013. Quốc hội có nội dung hoạt động bao gồm lập pháp, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát, đối ngoại và dân nguyện.

Đưa Hiến pháp và pháp luật vào đời sống xã hội

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh, Quốc hội với vị trí là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho quyền lực nhân dân, có phạm vi quyền lực trong toàn bộ lãnh thổ, có ảnh hưởng, tính quyết định đối với hoạt động tổ chức thi hành pháp luật của bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Lập pháp là hoạt động quan trọng nhất trong việc đảm bảo vai trò tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật vào đời sống xã hội. Với chức năng này, Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch được đặt ra trong từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo vệ đất nước. Các luật được ban hành góp phần vào hoàn thiện hệ thống pháp luật với nhiều đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp trong từng lĩnh vực cụ thể như bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Ngoài ra, Quốc hội cũng chủ động xây dựng một số luật  như Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Cho đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành được số lượng luật và pháp lệnh gấp 10 lần tổng số luật của 41 năm trước . Nhiều hoạt động cụ thể đáp ứng được yêu cầu cấp thiết và đột xuất của xã hội như việc bổ sung vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV một số nội dung về cơ chế, chính sách, các biện pháp phòng, chống dịch Covid, quyết định một số giải pháp để tháo gõ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở cho hoạt động phòng chống dịch của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước đảm bảo việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật

Giám sát là việc chủ thể theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 không quy định Quốc hội giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước mà quy định phạm vi giám sát được giới hạn trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ở cấp cao nhất, những cơ quan do Quốc hội thành lập, phê chuẩn và chịu sự giám sát của Quốc hội như Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia. Phạm vi giám sát đó phù hợp với tính chất tối cao của chức năng giám sát của Quốc hội và cũng phù hợp với thực tiễn, bởi trong suốt quá trình lịch sử, hầu như phạm vi hoạt động giám sát của Quốc hội chưa bao giờ được thực hiện đối với các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống.

Hoạt động giám sát của Quốc hội đã đạt hiệu quả với việc kịp thời phát hiện các vấn đề bất cập và kiến nghị nhằm có các chính sách phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội, đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong quá trình thi hành pháp luật với các nội dung bao quát. Hoạt động giám sát chuyên đề cũng được đổi mới nhằm tăng cường hiệu quả giám sát.

Đề xuất giải pháp

Đưa ra kiến nghị nhằm bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy nêu rõ:

Thứ nhất, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Với vai trò là một trong những hoạt động chính của Quốc hội trong đảm bảo thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, hoạt động lập pháp cần phải được đảm bảo hiệu quả bởi kết quả của hoạt động này có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động trên phạm vi toàn lãnh thổ. Tính chuyên nghiệp của hoạt động lập pháp trước hết là sự chuyên nghiệp trong từng cơ quan của Quốc hội và cả đại biểu Quốc hội. Tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội cần được xác định ở sự tập trung về thời gian và nhiệm vụ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động lập pháp chung của Quốc hội thể hiện ở thực hiện đầy đủ quy trình lập pháp, thu hút sự tham gia của các tổ chức và các bộ phận tham mưu có trình độ chuyên môn sâu.

Thứ hai, hoàn thiện và thực thi đúng quy trình giám sát. Hoạt động giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật của Quốc hội chỉ đạt hiệu quả khi xác định rõ phạm vi lĩnh vực giám sát của từng chủ thể giám sát, tránh chồng chéo, đổi mới hình thức và cách thức giám sát để tăng cường hiệu quả giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp luật./.

Lê Anh