ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐIỆN BIÊN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ TẠI SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

27/02/2024 21:03

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”, ngày 27/2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên giám sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐIỆN BIÊN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ TẠI TP. ĐIỆN BIÊN PHỦ, SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Giai đoạn 2015 – 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, số lượng đơn vị sự nghiệp trực thuộc, giảm từ 13 đơn vị xuống còn 8 đơn vị; tổ chức bên trong đơn vị sự nghiệp giảm được 36 đầu mối (từ 56 xuống còn 20 đầu mối). Giai đoạn 2015 – 2021, tỷ lệ tinh giản biên chế theo quy định là 10,1% tương ứng với 59 người cần tinh giản (công chức 39 người, viên chức 20 người). Giai đoạn 2015 – 2021, Sở tinh giản được 27 người.

Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập từ năm 2015 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã giảm 1 đầu mối đơn vị trực thuộc, giảm 6 phòng và 1 đội trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở. Hiện nay Sở có 4 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Từ năm 2017 đến nay Sở đã tinh giản được 4 biên chế công chức, 2 biên chế viên chức.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ thêm về kết quả tinh giản biên chế; việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Sở; khó khăn trong việc trang bị bảo hộ cho nhân viên kiểm dịch động vật; quy trình, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm dịch động vật. Việc sử dụng biên chế viên chức được giao; tỷ lệ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở, nâng cao thu nhập cho viên chức, người lao động. Kết quả xây dựng vị trí việc làm của Sở đến thời điểm hiện tại. Khó khăn bất cập trong cơ cấu tổ chức tại Quỹ Bảo vệ phát triển rừng, đặc biệt là ban điều hành quỹ; việc chậm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình làm rõ những nội dung thành viên đoàn giám sát yêu cầu.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, đoàn giám sát đề nghị làm rõ hiệu quả, vai trò các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở sau sáp nhập; công tác quản lý, điều hành Trung tâm Phát triển quỹ đất tại Sở và một số huyện có khó khăn vướng mắc gì? Nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ của các đơn vị trên địa bàn có ổn định không, có đảm bảo lương cho nhân viên? Việc xếp loại cán bộ công chức, viên chức được thực hiện như thế nào? Cơ chế giám sát chất lượng dịch vụ sự nghiệp công? Khó khăn vướng mắc khi sáp nhập Văn phòng đăng ký đất đai về Sở; cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai với cấp huyện, cấp xã.

Sở Nông nghệp và Phát triển nông thôn kiến nghị bổ sung các khoản chi phí ngoài định mức thực hiện các khoản chi đặc thù, đột xuất, mua sắm, sửa chữa tài sản lớn; chế độ chính sách thay đổi cần có sự hướng dẫn bổ sung kịp thời…

Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn việc quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ngành Tài nguyên môi trường sử dụng ngân sách Nhà nước. Sớm ban hành khung giá và giá các loại hình dịch vụ để áp dụng cho các đối tượng thụ hưởng dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước.

(Theo Báo Điện Biên Phủ)