TÂY NINH: NHIỀU Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ ÁN LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ LUẬT ĐƯỜNG BỘ

10/04/2024 21:20

Ngày 10/4, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị góp ý đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Bà Hoàng Thị Thanh Thuý - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TÂY NINH GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, thay thế Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tại Điều 9, nhiều ý kiến đồng ý với quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo góp ý của đại biểu, ở Điều 9, cần bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ vượt quá tốc độ quy định”, “Chở quá số người quy định trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Thực tế, những hành vi trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, theo quy định hiện hành, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt.

Tại Điều 10, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy tắc chung về người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải đảm bảo tốc độ theo quy định; phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Khoản 4, Điều 18 dự thảo Luật cần bổ sung nội dung “không được dừng, đỗ xe tại lối đi trong ngõ, hẻm hoặc trước lối ra vào ngõ, hẻm”.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị.

Dự thảo luật quy định quy tắc giao thông cho các phương tiện như vượt xe và nhường đường (Điều 14), chuyển hướng xe (Điều 15), sử dụng đèn (Điều 20)… Tuy nhiên, đối với phương tiện giao thông thô sơ thì các quy định trên không phù hợp, vì không được trang bị đèn, còi tín hiệu. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về quy tắc giao thông dành riêng cho các loại xe thô sơ, phù hợp với thiết kế và trang thiết bị của các loại xe này, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Điểm đ, khoản 2, Điều 55 về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định: “Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật”, đại biểu góp ý cần ghi cụ thể “Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật đối với xe ô tô và xe gắn máy các loại”.

Đối với Luật Đường bộ, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung: Khoản 5, Điều 18 về xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo và biển tuyên truyền đề nghị cần xác định cụ thể vị trí được lắp đặt biển tuyên truyền, nếu không quy định cụ thể sẽ dẫn đến vướng mắc trong thực hiện.

Điều 63, ngoài những quy định về người lái xe vận tải hàng hoá bằng xe ô tô cần bổ sung về quyền “trước khi thực hiện vận tải hàng hóa, lái xe yêu cầu người chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa phải cam kết bằng văn bản về số hàng hóa vận chuyển đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, lái xe có quyền yêu cầu kiểm tra hàng hóa nếu cảm thấy nghi ngờ hàng hóa chuẩn bị vận chuyển là trái quy định của pháp luật”.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Có ý kiến cho rằng, một số khái niệm được quy định trong dự thảo luật tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh cho dễ nhận thức, phù hợp. Ví dụ, định nghĩa liên quan đến các loại đường bộ, cần cân nhắc khi lấy tiêu chí kết nối với trung tâm hành chính làm tiêu chí để xác định đường tỉnh, đường huyện, đường xã, vì có thể có những tuyến đường quan trọng nhưng không kết nối trực tiếp với trung tâm hành chính.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét lại quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 39: bến xe phải được xây dựng tại các đô thị là trung tâm hành chính cấp huyện trở lên... phục vụ vận tải hành khách công cộng. Với quy định này thì có nghĩa tất cả các đô thị là trung tâm hành chính cấp huyện phải xây dựng bến xe.

Trong thực tế, nhiều đô thị cấp huyện không có diện tích đất phù hợp để xây dựng bến xe, nếu thực hiện thì phải thu hồi đất của người dân, chi phí bồi thường cao, không có kinh phí thực hiện, trong khi nhu cầu cần phải xây dựng bến xe để phục vụ vận tải hành khách công cộng là không có. Do đó, cần chỉnh sửa nội dung này thành: “Bến xe có thể được xây dựng tại các đô thị là trung tâm hành chính cấp huyện trở lên... phục vụ vận tải hành khách công cộng”.

Bà Hoàng Thị Thanh Thuý - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Các ý kiến sẽ được tiếp thu, xem xét và tổng hợp để Đoàn ĐBQH làm cơ sở tham gia đóng góp tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

(Theo Báo điện tử Tây Ninh)

Other news