THẢO LUẬN TỔ 10: CẦN CÓ GIẢI PHÁP, CƠ CHẾ HỖ TRỢ CHO ĐỊA PHƯƠNG ĐẢM BẢO ĐỦ NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG

25/06/2024 16:51

Chiều 25/6, thảo luận tại Tổ 10, các ý kiến cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về: Các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024; và Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

THẢO LUẬN TỔ 10: ÁP DỤNG TỐI ĐA CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG ĐỂ HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG “XIN - CHO” QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10

Cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cơ bản thống nhất với Báo cáo số 329 ngày 21/6/2024 của Chính phủ, đã thể hiện khá rõ nét về quá trình triển khai, kết quả đạt được cũng như đề xuất việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và các nội dung kiến nghị. Đặc biệt là quan điểm chỉ đạo thực hiện, việc điều chỉnh phải đảm bảo tương quan, cân đối, cân bằng, bình đẳng, hài hòa giữa các đối tượng.

Về nguồn lực thực hiện, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho biết, theo đề xuất của Chính phủ, từ 5 nguồn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW và Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, từ nguồn tăng thu và nguồn dư (tiết kiệm) của địa phương đã bố trí cải cách tiền lương từ những năm trước mức độ rất khác nhau. Có địa phương đảm bảo thực hiện, có những địa phương rất khó khăn, do đó Chính phủ cần có giải pháp, cơ chế hỗ trợ cho đơn vị còn khó khăn này để đảm bảo thực hiện được đồng bộ về chế độ chính sách điều chỉnh tiền lương.

Bên cạnh đó, đối với nguồn thu sự nghiệp, hiện nay mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp đặc biệt ở lĩnh vực y tế giáo dục, ở các vùng miền cũng rất khác nhau; đối với vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn cũng bị tác động và ảnh hưởng lớn  đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Mặt khác, để đáp ứng nguồn lực tăng chi theo chế độ tăng lương mới, cũng cần có cơ chế quy định hướng dẫn thu đúng, thu đủ các thuế, dịch vụ. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm vấn đề này và có cơ chế hướng dẫn phù hợp giảm tác động xã hội, đồng thời đảm bảo nguồn lực để thực hiện.

Về lạm phát, đại biểu cho rằng đây là một trong những vấn đề quan trọng Chính phủ cần phải tính toán, điều tiết lạm phát hợp lý. Thực tiễn tăng lương thời gian qua cho thấy, nếu không có giải pháp phù hợp, mỗi khi tăng lương vật giá leo thang, nên mặc dù tăng lương, nhưng đời sống không cải thiện được nhiều. Chính vì vậy, để việc điều chỉnh lương tác động tích cực và có giá trị thực sự, Chính phủ cần phải quan tâm tính toán vấn đề này, có giải pháp phù hợp.

Đại biểu cũng đồng tình với chính sách đối với đối tượng là người có công và trợ cấp xã hội, theo đó đề xuất Chính phủ đối với đối tượng trợ cấp ưu đãi là người có công từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 357 nghìn đồng so với mức hiện hưởng, cao hơn 5,7% so với mức chung của tăng lương). Tuy nhiên, đối với đối tượng trợ cấp xã hội mặc dù tăng 38,9% từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng, nhưng thực chất mức này còn rất thấp so với chuẩn hộ nghèo, cận nghèo hiện nay. Chính vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu để có điều chỉnh hợp lý, phù hợp với với điều kiện, đảm bảo ngân sách hiện nay.

Về văn bản hướng dẫn, đại biểu cơ bản đồng tình với 4/6 nội dung Chính phủ đề xuất về cải cách tiền lương khu vực công, tuy nhiên, đại biểu băn khoăn trong nhóm thứ 4 về hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, trong đó có quy định và hướng dẫn thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức viên chức để trả lương, thưởng và kết quả thực thi nhiệm vụ, liệu có đảm bảo để áp dụng từ tháng 7/2024 khi áp dụng điều chỉnh lương mới hay không?, đề nghị làm rõ thêm vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Cũng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, Chính phủ đề xuất dùng quỹ cải cách tiền lương tiết kiệm được để chi cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bao gồm bảo trợ xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng. Đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo rõ 5 thành phần của quỹ để thực hiện cải cách tiền lương như thế nào. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ sự nghiệp công; cần có cơ chế cấp bù ngân sách khi giá dịch vụ công thiết yếu chưa kịp điều chỉnh so với mức lương mới để các đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên cân đối được thu - chi và có tích luỹ; bảo đảm quyền tự chủ thực chất khi thực hiện tự chủ tài chính.

Cũng tại Tổ 10, các ý kiến cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội. Đại biểu cho rằng, với tình thế hiện nay, việc hỗ trợ Tổng Công ty hàng không Việt Nam là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của Tổng Công ty hàng không Việt Nam là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ làm rõ, có tiếp tục sử dụng gói lãi suất ưu đãi vào giai đoạn tới hay không?

Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, trong bối cảnh cấp thiết hiện nay, phương án Chính phủ trình đảm bảo tính khả thi, với mức lãi suất hỗ trợ tốt nhất, thiết thực nhất để Tổng Công ty hàng không Việt Nam vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty hàng không Việt Nam thông tin rộng rãi, đầy đủ hơn để người dân hiểu hơn về những nỗ lực của Tổng công ty trong cố gắng vượt khó khăn, tránh gây ra những hiểu lầm cho rằng doanh nghiệp có vốn nhà nước khi gặp khó khăn lại cần đến sự giúp đỡ.

Lan Hương - Nghĩa Đức