PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG LÀM VIỆC VỚI BỘ TƯ LỆNH QUÂN KHU 1

22/07/2024 22:55

Chiều 22/7, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo buổi làm việc của Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh với Bộ Tư lệnh Quân khu 1. Đây là Đoàn khảo sát do Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm trưởng đoàn, nằm trong Kế hoạch khảo sát của Ủy ban tại 3 miền nhằm phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG THĂM LỮ ĐOÀN PHÒNG KHÔNG 210, QUÂN KHU 1

Tham gia Đoàn khảo sát có Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các Ủy viên Thường trực Ủy ban và các đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Dự buổi làm việc có Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Quân khu 1, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngay khi bắt đầu buổi làm việc, hội nghị đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân; đã có 79 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã xây dựng kế hoạch khảo sát, tọa đàm để phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Để phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Đoàn khảo sát đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về việc triển khai các Nghị quyết của cấp trên, quy định của pháp luật về phòng không nhân dân trên địa bàn quân khu; vai trò của Quân khu trong thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; công tác chỉ đạo, ban hành các văn bản, chỉ thị, kế hoạch của Quân khu, UBND các tỉnh.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Trưởng Đoàn khảo sát phát biểu khai mạc buổi làm việc.

Bên cạnh đó, Đoàn khảo sát cũng quan tâm, tìm hiểu thực tế về các nội dung như: quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, an toàn hàng không có sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; việc bảo đảm ngân sách, chế độ, chính sách, trang bị cho Ban chỉ đạo PKND, cơ quan thường trực, cơ quan chuyên trách, lực lượng PKND…

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Thân, Phó Tư lệnh Quân khu 1, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân Quân khu 1, Quân khu 1 nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc gồm 6 tỉnh, 56 huyện. Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác phòng không nói chung và công tác phòng không nhân dân, Bộ Tư lệnh quân khu đã chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương, phối hợp ban, ngành các cấp tham mưu xác định, bố trí thế trận phòng không trên địa bàn Quân khu gắn với thế trận phòng không nhân dân, làm cơ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục về PKND được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ từ Quân khu đến các địa phương. Quân khu đã thành lập 63 Ban chỉ đạo và Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo PKND các cấp. Nền nếp hoạt động PKND thời bình được Ban chỉ đạo PKND các cấp duy trì thực hiện thường xuyên có chất lượng. Việc quản lý cấp phép bay trên địa bàn Quân khu thực hiện theo đúng Nghị định số 36/2008 của Chính phủ về “Quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ”.

Các thành viên Đoàn khảo sát tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, việc huy động tổ chức, cá nhân và nhân dân tham gia các hoạt động PKND gặp khó khăn vì chưa có luật quy định phải tham gia; chưa có văn bản pháp luật quy định việc tổ chức xây dựng lực lượng PKND trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp. Lực lượng làm công tác PKND hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có quy định bảo đảm cụ thể cho huấn luyện, kiểm tra. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển, nhu cầu khai thác, sử dụng và công tác quản lý. Ban chỉ đạo PKND Quân khu 1 cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật PKND là rất cần thiết, nhằm bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

Thành viên Đoàn khảo sát phát biểu.

Tại buổi khảo sát, các đại biểu Quốc hội thành viên Đoàn khảo sát, đại diện Ban chỉ đạo PKND các tỉnh, Quân khu 1 đã đặt vấn đề, trao đổi về nhiều nội dung như: quy định về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép bay, chế áp, quản lý đối với phương tiện bay siêu nhẹ, tàu bay không người lái; địa bàn trọng điểm PKND; độ tuổi tham gia PKND; xây dựng lực lượng PKND; vai trò của Quân khu liên quan đến các hoạt động PKND…

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt các văn bản có liên quan đến phòng không nhân dân của Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cũng như các địa phương; đồng thời ghi nhận những kết quả đã đạt được trong việc xây dựng thế trận, công trình, trận địa phòng không nhân dân thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phòng không nhân dân là một nét đặc sắc trong nghệ thuật chiến tranh nhân nhân của Việt Nam; đề nghị, cần nghiên cứu hết sức thấu đáo các kinh nghiệm này qua các thời kì để bổ sung, tổng hợp trong quá trình xây dựng dự án Luật Phòng không nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đây là dự án luật chuyên ngành, nội dung khá phức tạp, vì vậy cần có giải trình thấu đáo, tính toán kỹ lưỡng các nội dung đưa vào Luật, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc như: Cụ thể hóa quan điển của Đảng về nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân; lưu ý bám sát các chính sách Quốc hội đã thông qua, các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu để tiếp thu, giải trình phù hợp; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa trình tự, nguyên tắc với quy định cụ thể; quán triệt quan điểm cái gì đã chín, đã rõ, thống nhất cao thì quy định trong luật.

Quang cảnh buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nêu rõ: “Cái quan trọng là làm như thế bào để luật ban hành đi vào cuộc sống, hạn chế thấp nhất chi phí tuân thủ pháp luật đối với người dân”. Khẳng định về vai trò quan trọng của Phòng không nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu để việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật với chất lượng cao nhất./.

Khắc Phục