(Đã xong)- TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG VỚI DẤU ẤN ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN CỦA QUỐC HỘI

23/07/2024 22:59

Đổi mới và nâng cao hiệu quả của các phiên chất vấn đã góp phần hiện thực hóa các yêu cầu mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đặt ra. Đó là phát huy dân chủ một cách thực chất, giảm bớt tính hình thức trong các hoạt động của Quốc hội.

THẤM NHUẦN SỰ CHỈ ĐẠO VÀ LỜI CĂN DẶN CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐỐI VỚI CÁC ĐBQH

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG LUÔN DÀNH SỰ QUAN TÂM SÂU SẮC ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội  Khoá XI, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh Đại hội lần thứ X của Đảng đặt ra nhiệm vụ quan trọng là phải phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Người đứng đầu của Quốc hội trong vai trò mới đã khẳng định, Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất có vai trò lớn trong thực hiện nhiệm vụ này, đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật theo hướng nâng cao chất lượng, tăng cường hoạt động giám sát tối cao. Hoạt động giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm, phát huy trí tuệ, tìm phương án tối ưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Ở mỗi yêu cầu, người đứng đầu Quốc hội có những quan tâm rất cụ thể, trong đó có hoạt động giám sát, đặc biệt là chất vấn.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng - nguyên Chủ tịch Quốc hội Khoá XI, XII

Trong suốt những kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XI và cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, đổi mới các hoạt động giám sát, trong đó có chất vấn được  xem là nhiệm vụ quan trọng được nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đặt ra. Theo đồng chí, hoạt động giám sát, đặc biệt là chất vấn và giám sát chuyên đề có tác động thúc đẩy và xây dựng đối với Chính phủ, các Bộ ngành, chất vấn thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội và bộ máy cơ quan nhà nước, làm cho sinh hoạt của Quốc hội trở nên sinh động, thiết thực hơn. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, trong chất vấn và trả lời chất vấn cần phát huy tinh thần thẳng thắn dân chủ, trách nhiệm, thực sự cầu thị và tôn trọng lẫn nhau.

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XII, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Khoá XI, XII đã nhấn mạnh: Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp đối với Thủ tướng Chính phủ, 4 Bộ trưởng, trưởng ngành, 9 bộ trưởng khác. Qua đó đã làm rõ thêm nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có ý nghĩa chỉ đạo thiết thực. Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn đã yêu cầu các vị trả lời chất vấn nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, sớm triển khai thực hiện các lời hứa và nhiệm vụ thuộc chức trách nhiệm vụ của mình, ngành mình. Khẩn trương khắc phục những khuyết điểm, hạn chế và báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

Nhớ về dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giai đoạn là Chủ tịch Quốc hội Khoá XII, GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đại biểu Quốc hội khoá XII chia sẻ:  Trong quá trình đồng chí Tổng Bí thư là người đứng đầu cơ quan lập pháp của đất nước ta thời điểm đó, chứng kiến công việc lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã có những thay đổi rất lớn về cách thức làm việc. Từ việc chất vấn các Bộ, ngành, đặt ra những vấn đề đặc biệt là những vấn đề rất thiết thân, bức xúc của đời sống xã hội đặt ra thì đều đặt lên bàn chất vấn. Và những cuộc chất vấn rất là sinh động. Đặc biệt, có những cuộc chất vấn chúng ta đã truyền hình trực tiếp. Đó là một phong cách mới của đồng chí thể hiện vai trò trách nhiệm của người lập pháp, của người kiểm tra, xem xét, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện những quyết định của mình đối với các bộ, ngành. Kể cả Thủ tướng cũng phải xuất hiện để trả lời những câu hỏi.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đại biểu Quốc hội Khoá XII

Điểm nổi bật ở giai đoạn Quốc hội XII, không chỉ là sự thay đổi rõ nét của hoạt động chất vấn mà sau mỗi phiên chất vấn Quốc hội ra được nghị quyết và những nghị quyết lúc ấy đã không còn chung chung nữa. Những điều đưa lên bàn nghị sự để chất vấn đều được nhân dân đồng tình. Làm sáng tỏ vấn đề, thấy rõ nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp xử lý, theo Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng, triết lý “Tính công khai là thanh bảo kiếm” ngày càng đúng vì công khai sẽ tạo ra sức mạnh.

GS.TS Vũ Văn Hiền - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đại biểu Quốc hội Khoá XII nhớ lại:  “Những thay đổi đó làm cho không khí của Quốc hội rộn ràng, tăng cường hơn, được Nhân dân quan tâm hơn. Nếu như trước đây Quốc hội cứ họp, Nhân dân thì không biết. Nhưng dần dần toàn bộ các kỳ họp được phát tranh, truyền hình trực tiếp thì những công việc của Quốc hội gần như là quan trọng nhất. Những điều lớn lao nhất đều được Nhân dân trực tiếp nghe, theo dõi và đây chính là những đổi mới rất căn bản”.

GS.TS Vũ Văn Hiền - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đại biểu Quốc hội Khoá XII

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ: “Trước đây, tôi theo dõi các khoá, phần lớn họp Quốc hội không có tranh luận nhiều. Từ Khoá XI, XII đến các khoá sau này thì tranh luận rất nhiều. Trước đây, chủ yếu là biểu quyết thông qua những văn bản pháp luật hoặc là Nghị quyết và ít có tranh luận. Bây giờ lại kết hợp được công nghệ thông tin rất hiện đại trong các kỳ họp Quốc hội nên đã đảm bảo tinh thần  trách nhiệm cá nhân của mỗi đại biểu Quốc hội rất cao; phát huy được trí tuệ và trách nhiệm cá nhân rất lớn”.

Kết thúc mỗi phiên chất vấn là những bài phát biểu đánh giá sâu sắc và bài học rút kinh nghiệm của chủ tọa phiên họp. Chi tiết và kỹ lưỡng, bên cạnh sự ghi nhận nỗ lực của người chất vấn, người trả lời chất vấn là sự thẳng thắn chỉ ra những mặt chưa đạt được so với yêu cầu đề ra. Ví dụ như những vị Bộ trưởng, trưởng ngành chưa trả lời đúng trọng tâm, chưa tách được trách nhệm của cá nhân và trách nhiệm của Bộ ngành, đại biểu chưa thỏa mãn và Nhân dân khó đánh giá cao người trả lời chất vấn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận các câu hỏi chất vấn tăng lên rõ rệt trong mỗi kỳ chất vấn của Quốc hội khóa XII. Các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề còn yếu kém chưa làm tốt, chỉ ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Có thể thấy, đổi mới và nâng cao hiệu quả của các phiên chất vấn đã góp phần hiện thực hóa các yêu cầu mà Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đặt ra. Đó là  phát huy dân chủ một cách thực chất, giảm bớt tính hình thức trong các hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là cú hích quan trọng cho các hoạt động chất vấn của Quốc hội các khóa tiếp theo./.

Bích Liên