LẤY Ý KIẾN ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH LỚN TRONG SỬA ĐỔI LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

06/08/2024 15:20

Sáng 6/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.

TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO CÁC DOANH NGHIỆP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHÁT TRIỂN THÔNG QUA NHIỀU CHÍNH SÁCH

NHỮNG CHÍNH SÁCH VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẦN CÓ CƠ SỞ THỰC TIỄN, BẢO ĐẢM SỰ ĐỒNG BỘ TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU VÀ ĐẦU TƯ

Đồng chủ trì Hội thảo có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng một số chuyên gia, nhà khoa học...

Đề cập về đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nêu rõ: Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) đã kế thừa có chọn lọc các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, bổ sung hoạt động đổi mới sáng tạo, mà thực chất là các hoạt động thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa, biến đổi kết quả khoa học, công nghệ thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mới, mang lại giá trị gia tăng cho đời sống, xã hội, người dân.


Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan soạn thảo dự án Luật dự kiến tập trung vào 5 nhóm chính sách. Một là, đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới, quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Hai là, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Ba là, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho sử dụng ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bốn là, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Năm là, tăng cường phổ biến tri thức khoa học và công nghệ.

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và cho rằng, các chính sách lớn trong sửa đổi Luật cần bám sát các quan điểm chỉ đạo, chủ trương tại các Nghị quyết của Đảng về khoa học và công nghệ.

Đề cập một số nội dung cụ thể, một số ý kiến nhấn mạnh, tại Nghị quyết 45 - NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII có nội dung: “Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc Tp.Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một số cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức”. Do đó, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đề nghị dự thảo Luật cụ thể hóa nội dung này.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị, khi xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) cần làm rõ khái niệm đổi mới sáng tạo, tổ chức đổi mới sáng tạo; bổ sung chính sách ưu đãi, ưu tiên sử dụng tài sản công phục vụ cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, những ý kiến phát biểu, thảo luận, chia sẻ của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo sẽ là nguồn tư liệu quý đối với Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội./.

Bích Lan