GÓC NHÌN: HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

11/08/2024 10:29

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của ĐBQH Nguyễn Văn Thuận – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về “Hoàn thiện các quy định pháp luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam”.

GÓC NHÌN: BẤT CẬP TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM Y TẾ - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam năm 1999 được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ sáu ngày 21/12/1999, có hiệu lực từ ngày 1/4/2000 và sửa đổi, bổ sung vào các năm 2008, 2014. Qua gần 10 năm thực hiện cho thấy, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam đã tạo động lực để đội ngũ sĩ quan phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thực sự là nòng cốt trong xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan xuất hiện những vướng mắc, bất cập.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam căn cứ vào những cơ sở sau:

Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân vào Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại trong tình hình mới, bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Thực tế, sau khi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được ban hành, đến nay, đã có nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được ban hành có liên quan trực tiếp đến đối tượng là sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thứ ba, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tế triển khai thi hành Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thời gian qua, cụ thể: (1) Luật chưa quy định đầy đủ các chức vụ có thẩm quyền trong quản lý, chỉ huy Quân đội, chưa thống nhất với tổ chức, biên chế của Quân đội; (2) Quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan chưa bảo đảm cân đối với quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Việc quy định đối tượng được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ chưa cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; (3) Quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng còn khoảng trống pháp lý; trần quân hàm, chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan còn nhiều vị trí chưa thống nhất; (4) Chưa cụ thể hóa trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện về chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho Quân đội;...

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại trong tình hình mới. (ảnh minh họa)

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ xem xét, cho ý kiến thông qua tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 06/7/2024 với 03 chính sách: (1) Hoàn thiện quy định về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; (2) Nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; (3) Quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 48/2024/UBTVQH15 ngày 23/7/2024 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tôi đồng tình và đánh giá cao việc kịp thời bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Việc xây dựng và ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng QĐND tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại trong tình hình mới, bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; đồng thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tế triển khai thi hành Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam hiện hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc trình và cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây, đề nghị một số nội dung trong Dự án Luật cần giải trình thêm về căn cứ pháp lý và làm rõ một số nội dung về mục tiêu, nội dung của chính sách, giải pháp thực hiện chính sách trong Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể những nội dung sau:

Thứ nhất, về hoàn thiện quy định chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan QĐND Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ, cụ thể hơn các nội dung sau:

(1) Luật Sĩ quan năm 1999 cách đây 25 năm và lần sửa gần đây nhất năm 2014 (sau một năm Hiến pháp 2013) cách đây 10 năm thì những chức vụ cơ bản có phát sinh, phát triển thêm không?

(2) Các chức danh tương đương qua 25 năm và gần nhất là 10 năm gần đây có vướng mắc cụ thể là gì? Tại sao ngần ấy năm chưa thấy nổi cộm vấn đề này?

(3) Nếu đề nghị hoàn thiện chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương tại sao một số chức vụ, chức danh của cơ quan quân sự cấp tỉnh, huyện đã tương đối ổn định trong thời gian dài không được quy định vào điều chỉnh trong Luật lần này mà lại để Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định?

Thứ hai, về chính sách nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Việc Cơ quan soạn thảo đề nghị tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan từ 01 đến 04 tuổi tương ứng với cấp bậc quân hàm từ cấp úy đến Đại tá để cân đối với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và mức hưởng lương hưu tối đa 75% theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Về chính sách này đề nghị Cơ quan soạn thảo cần làm rõ trong Dự án Luật một số vấn đề sau:

(1) Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan cấp úy 50 tuổi, Thiếu tá 52 tuổi nếu tính học xong lớp 12 nhập ngũ hoặc vào năm thứ nhất các học viện, nhà trường quân đội thì đến hạn tuổi cao nhất cũng chưa đủ 35 năm công tác để khi nghỉ hưu được hưởng 75% lương. Cơ quan soạn thảo có giải pháp gì? Đề nghị giải trình cụ thể;

(2) Trong 6 cấp bậc quân hàm có 4 bậc cấp hàm hạn tuổi nam và nữ bằng nhau, còn Trung tá, Thượng tá và Đại tá nữ lại kém 01 tuổi. Cần nêu rõ căn cứ có tính pháp lý;

(3) Nếu thực hiện cơ cấu, số lượng đội ngũ cán bộ không giữ được ổn định như hiện nay mà sẽ gây ùn tắc, dư thừa cán bộ, do số cán bộ cấp phân đội biến động nhanh, hằng năm vẫn phải đào tạo bổ sung, nếu tăng hạn tuổi thì số chuyển ra giảm (nhất là những năm đầu tăng tuổi) dẫn đến thừa cán bộ, cần giải trình, giải pháp cụ thể thế nào để giải quyết vấn đề này?

(4) Ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu sẽ khó đáp ứng về mặt sức khỏe trong thực hiện nhiệm vụ khi tăng hạn tuổi đối với từng cấp bậc quân hàm. Cơ quan soạn thảo cần giải trình cụ thể vì sao trước đây cho rằng hạn tuổi ở các đơn vị chiến đấu như quy định Luật Sĩ quan hiện tại và quy định tại Thông tư số 08/2020/TT-BQP ngày 17/01/2020 của Bộ Quốc phòng là phù hợp, nay trong Dự án Luật lại tăng?

Thứ ba, Trong chính sách về quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan QĐND Việt Nam có giải trình nhiều căn cứ để quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh.

Tuy nhiên, tại Dự thảo 2 Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của Cục trưởng Cục Thi hành án là Thiếu tướng trong khi tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ của ngành thi hành án dân sự trong Quân đội không có thay đổi. Đề nghị cơ quan soạn thảo nêu căn cứ có tính thuyết phục và giải trình cụ thể hơn.

Đối với cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của cơ quan quân sự cấp tỉnh, huyện chưa thấy đề cập trong Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét?

Thứ tư, một số nội dung trong Dự án Luật liên quan đến chế độ, chính sách đối với sĩ quan như: Về nhà ở; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở cho Quân đội nhân dân; tiền lương... Đề nghị: Cơ quan soạn thảo cần đề xuất quy định cụ thể và có căn cứ, giải trình cụ thể, rõ ràng có tính bắt buộc về quy định này không nên quy định chung chung là “ưu tiên...”

Thứ năm, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Dự án Luật có đề cập nhiều khó khăn đối với quân nhân liên quan đến thu nhập, công tác xa nhà,..nhưng chưa thấy cơ quan soạn thảo đề xuất giải pháp khắc phục?

Hiện tại những vấn đề mà quân nhân tại chức đang chờ quy định của Luật là: Khi được điều động công tác (thuyên chuyển - nhưng không nhiều) đến đơn vị mới nếu đưa vợ con cùng đi thì chưa có quy định địa phương phải bố trí công việc phù hợp cho vợ sĩ quan chuyển đến và bắt buộc phải nhận con sĩ quan vào trường, lớp học... hoặc  khi có vướng mắc trong cuộc sống về đất đai, nhà cửa, tài sản, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính... mà sĩ quan đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo hoặc đơn vị đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu thì hầu như không có điều kiện và thời gian tham gia để giải quyết vụ việc. Ngay trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 trong 14 đối tượng người được trợ giúp pháp lý không có đối tượng là quân nhân. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét những vấn đề này.

Cuối cùng, khi sửa Luật cần nghiên cứu sửa các văn bản dưới luật tương ứng, như: Nghị định số 107/2015/NĐ-CP ngày 24/10/2015 của Chính phủ quy định chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan QĐND Việt Nam; Thông tư số 08/2020/TT-BQP ngày 17/01/2020 của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều 13 và Điều 16 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam về hạn tuổi của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý; kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của sĩ quan; phong quân hàm học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan tại ngũ… và rà soát kỹ không để sót các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ thuận lợi khi triển khai thi hành Luật./.

      

ĐBQH Nguyễn Văn Thuận

Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội