ĐÁNH GIÁ KỸ LƯỠNG, CUNG CẤP ĐẦY ĐỦ CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN ĐỐI VỚI NỘI DUNG VỀ OXY Y TẾ

12/08/2024 12:37

Sáng 12/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đối với nội dung về oxy y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế đánh giá kỹ lưỡng và cung cấp đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, phối hợp với Ủy ban Xã hội để đề xuất, thống nhất trong quy định văn bản pháp luật phù hợp.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DƯỢC

Quang cảnh phiên họp

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận và cử tri cả nước, nhận được nhiều ý kiến phát biểu Tổ và hội trường của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổ chức nhiều hội thảo, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để tiếp thu, chỉnh lý. Hầu hết các nội dung của dự thảo luật sau chỉnh lý đã đạt được sự thống nhất, đồng thuận của các cơ quan. Dự thảo Luật lần này đã làm rõ và cụ thể hơn nhiều quy định so với dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã làm việc hết sức nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm trong việc tiếp thu, giải trình đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ trì thẩm tra, thể hiện tinh thần tích cực, chủ động, khẩn trương, trách nhiệm để hoàn thiện dự án luật.

Đối với vấn đề liên quan đến oxy y tế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội đã báo cáo, nêu ý kiến rất rõ về vấn đề này, đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến khác nhau vấn đề có hay không đưa nội dung về khí oxy y tế trong Luật Dược, nếu không đưa vào luật này thì đưa vào luật nào hay văn bản có tính pháp lý nào của Chính phủ? Chủ tịch Quốc hội cho rằng oxy y tế là một sản phẩm đặc biệt đưa vào cơ thể người bệnh để chữa bệnh, nên cần phải được luật quy định với các quy phạm có tính nguyên tắc, vì quyền lợi của người bệnh. Có quy định pháp luật về khí y tế thì Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho người bệnh khi sử dụng loại khí oxy y tế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu như mục đích của Bộ Y tế là có cơ sở pháp lý để Chính phủ, Bộ Y tế ban hành văn bản dưới luật, nghị định, thông tư, trong khi chưa được điều chỉnh trong Luật Dược, Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì có thể xem xét, cân nhắc đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này. Tuy nhiên, văn bản luật hay Nghị quyết, Nghị định thì phải bao hàm các loại khí sử dụng trong y tế, trong khám bệnh, chữa bệnh, không nên chỉ đề cập đến oxy y tế. Trong trường hợp cần thiết có thể đưa ra 2 phương án ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới để có điều kiện đánh giá, xem xét, cho ý kiến thêm.

Tham gia phát biểu về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, theo định nghĩa, "dược" là thuốc và nguyên liệu làm thuốc, còn "dược chất" là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng để sản xuất thuốc và dùng để chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu dẫn chứng, khi bệnh nhân ốm nặng và đến tình trạng rất nguy kịch thì phải bổ sung oxy để trợ giúp sức khỏe, do đó oxy y tế bản chất là chất chữa bệnh. Nếu chưa quy định được oxy y tế ở trong luật nào, mà thực tiễn cần thiết phải quy định, thì Chính phủ cần có trách nhiệm trình nội dung này thuộc phạm vi của Luật Dược.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, với nhu cầu cấp thiết để phục vụ người bệnh, nên đưa oxy y tế vào các quy định của luật, nếu sau này thấy cần thiết thì có thể chuyển thành các quy định khác, trong các luật phù hợp, mục tiêu quan trọng nhất và trước hết là tạo hành lang pháp lý để cứu chữa cho người bệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Cùng quan tâm đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, về mặt chuyên môn, nếu coi oxy y tế là thuốc thì có thể bổ sung vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, nếu xác định oxy y tế không phải là thuốc, không phải là nguyên liệu làm thuốc, không phải là dược phẩm, thì oxy y tế nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Dược. Trong trường hợp đó, việc thiếu quy định cụ thể sẽ gây ra những bất cập trong thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng oxy y tế ngày càng tăng. Do đó, cần có tính toán phù hợp để sớm xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về oxy y tế, tránh để bỏ ngỏ, tạo khoảng trống pháp lý đối với loại vật tư y tế quan trọng này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, có nhiều phương án có thể giải quyết vấn đề này, bao gồm việc điều chỉnh nghị định về trang thiết bị y tế, ban hành nghị định không đầu hoặc bổ sung quy định về điều khoản thi hành của Luật Dược. Việc lựa chọn giải pháp nào cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong việc quản lý oxy y tế, đồng thời phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực, chủ trì phối hợp của Thường trực Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế cùng với các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 để chỉnh lý dự thảo luật. Các tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng, đầy đủ và theo đúng quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo luật được các cơ quan báo cáo, kiến nghị, tiếp thu và chỉnh lý. Đối với nội dung về oxy y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lấy quyền lợi người bệnh làm trung tâm, cần phải có quy định của pháp luật về khí oxy trong khám, chữa bệnh và sẽ là cơ sở để sản xuất, quản lý và sử dụng, mặt khác cũng là cơ sở để quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho người bệnh khi sử dụng oxy y tế. Vì còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế đánh giá kỹ lưỡng và cung cấp đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, phối hợp với Ủy ban Xã hội để đề xuất, thống nhất trong quy định văn bản pháp luật phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các cơ quan có liên quan, tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động của dự án luật này để đảm bảo tính khả thi và tính đột phá của dự thảo luật trong lĩnh vực về phát triển công nghiệp dược; tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tại phiên họp

​Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận phiên họp./.

Hồ Hương - Phạm Thắng

Other news