ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH, NẾU THAY ĐỔI CƠ QUAN LẬP QUY HOẠCH KHOÁNG SẢN

13/08/2024 11:22

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Trong đó, quy định về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản vẫn còn ý kiến khác nhau. Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, lựa chọn phương án nào cũng tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, để đảm bảo hiệu quả của công tác lập quy hoạch, tránh chồng chéo trong quản lý và tổ chức thực hiện.

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT THÁNG 8/2024 CHO Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, một số ý kiến đề nghị tiếp tục giữ nguyên phân công trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch khoáng sản như quy định tại Luật Quy hoạch và Luật Khoáng sản năm 2010 (giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản). Việc giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập các quy hoạch khoáng sản tương tự như Luật Khoáng sản hiện hành là phù hợp và không gây mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Theo đó, các nội dung quy hoạch về diện tích, quy mô thăm dò, khai thác, chế biến được Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu xây dựng gắn kết hài hòa giữa thăm dò, khai thác với chế biến, sử dụng khoáng sản. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch khoáng sản.

Vì vậy, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã xây dựng 02 phương án để xin ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Phương án 1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội).

Phương án 2: Giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành).

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải

Nêu quan điểm về nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, quy định như phương án 1 là phù hợp. Theo đó, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ chủ quản chuyên ngành chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm 1, nhóm 2. Tuy vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi về cách thức thể hiện như sau: "Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan tổ chức lập, trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò khoáng sản nhóm 1, quy hoạch thăm dò khoáng sản nhóm 2".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cân nhắc quy định theo phương án 2 để đảm bảo tính kế thừa pháp luật hiện hành và tránh xáo trộn trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định này vẫn còn ý kiến khác nhau, nên cần tiếp tục xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, cả hai phương án: giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì lập quy hoạch và phương án giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng chủ trì đều có những điểm hạn chế. Do vậy, đề nghị các cơ quan tiếp tục hoàn thiện những lập luận, nhất là làm rõ những ưu điểm, hạn chế từng phương án để tiếp tục báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, phương án 1 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thuận lợi, đồng bộ với việc quản lý quy hoạch, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý phạm sau này, nhưng lại thay đổi chức năng, việc phân công trách nhiệm quản lý theo pháp luật hiện hành, kể cả Luật Quy hoạch và các luật chuyên ngành có liên quan. Vì vậy, đây là vấn đề rất lớn, phải đánh giá kỹ tại sao phải thay đổi cơ quan chủ trì lập quy hoạch, nếu thay đổi có xáo trộn gì trong thực tiễn quản lý không?. Đại biểu đề nghị phải làm rõ ưu điểm, hạn chế để tiếp tục xin ý kiến; nếu chưa đánh giá kỹ tác động của chính sách mới, quy định như phương án 2 là phù hợp.

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, đối với những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa nên xây dựng thành hai phương án, mà nên phân tích sâu hơn về ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, sau đó xin ý kiến đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và kỳ họp Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dù chọn phương án nào, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng cần làm rõ căn cứ để xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và Quốc hội tại Kỳ 8. Theo quy định hiện hành, trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản là Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, nếu chuyển thành một đầu mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đánh giá kỹ tác động chính sách mới. “Cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần cân nhắc, vì việc đánh giá tác động chính sách là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường gửi xin ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật cũng khái quát về ưu, nhược điểm của từng phương án.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Theo đó, đối với phương án 1, việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập, trình phê duyệt các quy hoạch khoáng sản sẽ bảo đảm đồng bộ trách nhiệm quản lý quy hoạch, cấp phép, kiểm tra, thanh tra trong hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, việc thực hiện theo Phương án 1 là thay đổi so với các quy định của pháp luật hiện hành (Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch), thay đổi chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và cần được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của sự thay đổi chính sách này vì nội dung này nằm ngoài phạm vi các nhóm chính sách trong hồ sơ xây dựng Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Quốc hội thông qua. Do vậy, Phương án này cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết đánh giá để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Về Phương án 2, cho Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng chủ trì lập các quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, thì các nội dung quy hoạch về diện tích, quy mô thăm dò, khai thác, chế biến sẽ được Bộ chuyên ngành rà soát, điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu xây dựng; hạn chế tình trạng khép kín trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản (một Bộ vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, đồng thời cũng là cơ quan cấp phép hoạt động khoáng sản). Việc thực hiện theo Phương án 2 là tiếp tục duy trì phân công trách nhiệm các Bộ lập các quy hoạch khoáng sản như thực tế hiện nay, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các Bộ (Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương) theo phân công của Chính phủ và hạn chế xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn tại địa phương. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo Phương án 2, Chính phủ cần nghiên cứu, quy định trong dự thảo Nghị định về việc tăng cường phối hợp giữa các bộ trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

Lan Hương