CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG, LỰA CHỌN MÔ HÌNH TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG PHÙ HỢP, KHẢ THI

13/08/2024 12:55

Sáng 13/8, tại phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), xung quanh quy định về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng vẫn còn quan điểm khác nhau cần tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp, khả thi trước khi trình Quốc hội…

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ GIẢI TRÌNH, TIẾP THU CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (Điều 20), một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về mô hình của Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Một số ý kiến đề nghị các phương án như sau: (1) Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; (2) Loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân áp dụng đối với Văn phòng công chứng được thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

Nêu quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về mô hình Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Quy định này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập Văn phòng công chứng. Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, qua đó đã khắc phục được những bất cập của Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc vào 01 công chứng viên duy nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Thảo luận về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh. “Trước mắt loại hình này chúng ta cho phép áp dụng tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, còn các địa bàn khác thì áp dụng loại hình công ty hợp danh…”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng nên có cả loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Theo đó, loại hình doanh nghiệp tư nhân được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, còn đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Tuy nhiên, để đảm bảo lập luận rõ ràng cũng như những căn cứ xác đáng trình Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đề nghị, cần báo cáo làm rõ một số nội dung có liên quan. “Nếu tiếp thu, chỉnh lý bổ sung thêm mô hình doanh nghiệp tư nhân cần phải nêu rõ những quy định trong hoạt động công chứng của các tổ chức này có vướng mắc gì không và ưu, nhược điểm của các phương án này như thế nào?. Bổ sung đánh giá, quy định như vậy có tạo ra sự không thống nhất trong mô hình hoạt động của văn phòng công chứng trong phạm vi cả nước hay không…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu vấn đề.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng Luật Doanh nghiệp để phân tích các loại mô hình của văn phòng công chứng đối với cả hai loại hình là loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Tán thành với quan điểm nên mở rộng mô hình của văn phòng công chứng với tư cách là một thành viên hợp danh hoặc dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại & công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn nêu thực tế: Trong thời gian vừa qua, việc bắt buộc hợp danh phải có 2 thành viên trở lên khiến cho rất nhiều địa bàn kinh tế khó khăn, quy mô thị trường nhỏ gặp vướng mắc; gây tốn kém và ảnh hưởng đến quyền, đến các hoạt động giao dịch nơi đây. “Chúng tôi thấy rằng, thực tế thời gian vừa qua đã có tình trạng những văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên là tương đối nhiều. Đối với bản chất hoạt động công chứng có 2 loại dịch vụ, một là cung cấp dịch vụ công chứng chứng nhận hồ sơ mới là do công chứng viên thực hiện và lưu trữ hồ sơ; hai là cung cấp chứng cứ do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Vì vậy, khối lượng công việc đối với công chứng viên phải có chứng chỉ sẽ hạn chế nhất định. Cho nên việc tối ưu hóa hoạt động của một tổ chức hành nghề công chứng cần tính toán dựa trên bối cảnh và nếu chúng ta đặt điều kiện quá cao chắc chắn tiếp tục sẽ có tình trạng một số vùng, miền, địa phương thời gian tới sẽ gặp khó khăn…”, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại & công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn lưu ý.

Uỷ viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký của Liên đoàn Thương Mại và. Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn

Nêu quan điểm về nội dung này, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Chí Thiện cho rằng, hiện nay số lượng công chứng viên đang hoạt động ở các tổ chức hành nghề công chứng ở 63 hội tỉnh, thành phố có trên 3.300 công chứng viên. Theo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2023, có khoảng 1.298 tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh những tổ chức hành nghề công chứng không đủ 2 công chứng viên cũng có những tổ chức hành nghề công chứng có từ 3 -5 hoặc nhiều hơn công chứng viên.

Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Chí Thiện 

Chưa đồng tình với đề nghị bổ sung thêm quy định về mô hình Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Chí Thiện nhấn mạnh, Luật Công chứng năm 2006 đã đưa ra loại hình doanh nghiệp tư nhân nhưng sau một quá trình thực hiện (8 năm), việc hành nghề của tổ chức hành nghề công chứng là tư nhân đã không khả thi. Bởi vì, hoạt động công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp mang tính chất đặc thù nên để đảm bảo yêu cầu về duy trì, phát triển, thường xuyên và liên tục thì  tổ chức hành nghề công chứng nếu chỉ có 1 công chứng viên sẽ không đáp ứng được yêu cầu. "Tất nhiên, trên thực tế cũng có tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng hoặc phòng công chứng không có đủ 2 công chứng viên, tuy nhiên trong luật và văn bản hướng dẫn thi hành trong một thời gian nhất định phải bổ sung số lượng đầy đủ công chứng viên để duy trì hoạt động. ..", Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Chí Thiện cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Chí Thiện cũng chỉ ra một số khó khăn bất cập đối với mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân, như: ký ngoài trụ sở; … Do đó, đề nghị trong Luật Công chứng (sửa đổi) nên duy trì quy định tổ chức hành nghề công chứng gồm có phòng công chứng và văn phòng công chứng dưới hình thức là công ty hợp danh.

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Phát biểu giải trình, làm rõ nội dung được nêu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng chỉ là công ty hợp danh nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức; dịch vụ công chứng là dịch vụ công, do đó cần bảo đảm tính liên tục, bền vững và chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng phân tích làm rõ một số bất cập trong thực tiễn liên quan đến mô hình Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân; đối với một số bất cập của mô hình công ty hợp danh của Văn phòng công chứng  cũng đã được giải quyết bằng các quy định của dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần phân tích, thuyết minh, lập luận rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án và tiến tới nếu chọn được 1 phương án như Chính phủ trình là hợp lý. Tuy nhiên, đối với các ý kiến khác vẫn đảm bảo tổng hợp, giải trình đầy đủ để đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến;.../.

Lê Anh - Phạm Thắng