CỬ TRI QUẢNG NINH KIẾN NGHỊ 8 NHÓM VẤN ĐỀ SAU KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

15/08/2024 10:54

Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp, tình hình phát triển đất nước trong 6 tháng đầu năm 2024. Cử tri trong tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Đoàn ĐBQH tỉnh trong việc quan tâm lắng nghe, tiếp thu và đề xuất các giải pháp, kiến nghị chính đáng của cử tri đến kỳ họp; tích cực góp ý kiến vào các dự án luật quan trọng. Đặc biệt, cử tri đánh giá cao việc Quốc hội đã thông qua nhiều luật và chính sách quan trọng liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NINH TIẾP XÚC CỬ TRI 2 HUYỆN TIÊN YÊN, ĐẦM HÀ

Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh trò chuyện với cử tri TP Cẩm Phả bên lề buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Nguyễn Thanh

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7, cử tri tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị tới các đại biểu Quốc hội, 8 nhóm vấn đề, cụ thể:

1. Kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(1) Hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là quy định, hướng dẫn về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; thực tế, Hội đồng nhân dân cấp xã không tổ chức các Tổ đại biểu nên việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã gặp nhiều vướng mắc và không thống nhất trong thực hiện ở các địa phương với nhau. Kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

2. Kiến nghị gửi Tổng Kiểm toán Nhà nước

(2) Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 09/2/2018 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 4852/QĐ-UBND ngày 30/12/2020. Theo đó, dự án cao tốc đầu tư theo phương thức đối tác công tư có điểm đầu Km87+080 tại xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên. Dự án đã được hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác từ ngày 01/9/2022.

Để có cơ sở quyết toán dự án hoàn thành, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước quan tâm, chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước khu vực VI tổ chức, thực hiện kiểm toán giá trị thực hiện còn lại của dự án từ ngày 01/11/2021 tới ngày 31/8/2022, thực hiện trong quý III/2024 nhằm tăng cường công tác quản lý và đẩy nhanh công tác quyết toán dự án hoàn thành, đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn đầu tư dự án.

3. Kiến nghị gửi Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch

(3) Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25/10/2018 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh (có hiệu lực từ ngày 15/12/2019). Nội dung bao gồm việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch mặt bằng tổng thể (quy hoạch chi tiết) của các dự án thành phần theo quy hoạch tổng thể di tích đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng bộ với quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết theo quy định tại Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, một số quy định của Nghị định hiện nay đã không còn phù hợp thực tiễn quản lý nhà nước ở địa phương. Kiến nghị Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch quan tâm rà soát, đánh giá, sớm tham mưu Chính phủ có Nghị định sửa đổi hoặc thay thế Nghị định nêu trên.

(4) Di sản Vịnh Hạ Long có ranh giới vùng đệm (vùng bảo vệ 2) bao trùm cả hai xã Ngọc Vừng và Thắng Lợi của huyện Vân Đồn và theo quy định thì các công trình xây trên địa bàn xã nêu trên (bao gồm các công trình xây dựng công cộng và các công trình xây dựng nhà ở của nhân dân) đều phải có ý kiến đồng ý của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch trước khi xây dựng; như vậy là bất cập. Kiến nghị Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xem xét, rà soát, báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long theo hướng đưa hai xã Ngọc Vừng, Thắng Lợi của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh ra khỏi ranh giới vùng đệm di sản.

4. Kiến nghị gửi Bộ Nội vụ

(5) Ngày 06/9/2021, Chính phủ có Nghị quyết số 101/NQ-CP về việc giải quyết vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự, Phó trưởng Công an cấp xã và người làm việc theo hợp đồng lao động tại UBND cấp xã. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhằm triển khai, thực hiện các quy định theo Nghị quyết nêu trên của Chính phủ. Kiến nghị Bộ Nội vụ chủ trì, cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 101 của Chính phủ để có hướng dẫn việc tổ chức, triển khai, đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho những đối tượng có liên quan.

(6) Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/8/2023 có quy định Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp xã phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đại học trở lên; tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị hoặc tưong đương trở lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có vướng mắc, khó thực hiện, áp dụng các tiêu chuẩn nêu trên. Kiến nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét, sửa đổi các tiêu chuẩn nêu trên, bảo đảm phù hợp với thực tiễn ở cơ sở.

5. Kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

(7) Căn cứ Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025. Nội dung quy định: Tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS, hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 01 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2.

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một số quy định, hướng dẫn về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với các Trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và Trường Phổ thông có nhiều cấp học. Tuy nhiên, nội dung quy định nêu trên phù hợp với các trường có quy mô số lớp, số học sinh lớn nhưng đối với các trường đặc thù đối với các xã đảo với quy mô số lớp, số học sinh ít thì không phù hợp, đòi hỏi cần đầu tư khối lượng các công trình lớn với nguồn kinh phí đầu tư cao nhưng hiệu quả, công năng sử dụng không lớn, gây lãng phí.

Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định có liên quan; đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp với các địa bàn có yếu tố đặc thù như các xã đảo.

6. Kiến nghị gửi Bộ Quốc phòng

(8) Các chế độ, chính sách, mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ về quy định chi tiết một số Điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ được quy định bằng mức tiền cụ thể. Tuy nhiên, theo chính sách tiền lương cơ sở mới thì mức lương cơ sở đã tăng từ 1.800.000 lên 2.340.000 đồng nhưng các chế độ, chính sách theo Nghị định số 72 vẫn áp dụng mức tiền cụ thể được xây dựng tại thời điểm lương cơ sở cũ; việc áp dụng sẽ không còn phù hợp, lạc hậu. Kiến nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu, báo cáo Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ để các mức hỗ trợ hiện nay phải phù hợp với chính sách lương cơ sở mới; đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, theo đó các chế độ, chính sách cần được xây dựng bằng hệ số trên cơ sở lương cơ sở thay vì quy định một mức tiền cụ thể.

(9) Theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, xã Tình Húc nhập vào thị trấn Bình Liêu (lấy tên là thị trấn Bình Liêu). Trước khi sáp nhập, xã Tình Húc là xã thuộc khu vực biên giới đất liền theo quy định tại Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền Nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, hiện nay về mặt thực tế, thị trấn Binh Liêu là đơn vị hành chính cấp xã thuộc khu vực biên giới đất liền. Tuy nhiên, chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản công nhận. Kiến nghị Bộ Quốc phòng rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét quy định thị trấn Bình Liêu là thị trấn thuộc khu vực biên giới đất liền.

(10) Hiện nay nhiều trường hợp quân nhân nhập ngũ sau 30/4/1975 tham gia bảo vệ biên giới, điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế; đồng thời những người tham gia và xuất ngũ sau thời điểm tháng 12/1988 hiện nay chưa được hưởng chế độ trợ cấp như những người thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Kiến nghị Bộ Quốc phòng chủ trì, cùng các bộ, ngành liên quan rà soát danh sách đối tượng nêu trên, đồng thời nghiên cứu, xem xét đề xuất với cơ quan có thẩm quyền quy định về chế độ bảo hiểm y tế cho quân nhân nhập ngũ sau 30/4/1975 tham gia bảo vệ biên giới; mở rộng đối tượng được hưởng các chế độ, chính sách theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Kiến nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo

(11) Ngày 09/3/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2010/QĐ-TTg quy định về phụ cấp dạy lớp ghép đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, tại khoản 2, Điều 3 quy định mức phụ cấp được hưởng: “a) Giáo viên dạy lớp ghép hai trình độ, mỗi tháng được hưởng thêm 50% tiền lương của tháng giảng dạy; b) Giáo viên dạy lớp ghép ba trình độ trở lên, mỗi tháng được hưởng thêm 75% tiền lương của tháng giảng dạy”. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 để đảm bảo công tác dạy học các môn học và hoạt động giáo dục đòi hỏi mỗi lớp học bao gồm cả lớp ghép phải có nhiều giáo viên dạy theo các phân môn. Do vậy các nội dung hướng dẫn chi trả cho giáo viên theo Quyết định số 15/2010/QĐ-TTg ngày 09/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ không còn phù hợp với thực tế. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu sửa đổi hoặc thay thế Quyết định số 15/2010/QĐ- TTg ngày 09/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

8. Kiến nghị gửi Bộ Y tế

(12) Từ ngày 01/7/2024, lương cơ sở tăng lên mức 2,34 triệu đồng/tháng. Do đó, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình cũng tăng lên, trong khi đời sống của đại bộ phận nhân dân ở nhiều nơi còn khó khăn. Kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp hỗ trợ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo hướng giảm hoặc giữ nguyên mức đóng bảo hiểm y tế cho người đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình.

(Theo Báo điện tử Quảng Ninh)