ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CẦN THỂ HIỆN RÕ NÉT HƠN NHIỆM VỤ VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VĂN HÓA

15/08/2024 12:27

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, trong đó nội dung về triển công nghiệp văn hóa được đề cập, nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu và cử tri. Cổng TTĐT Quốc hội đã có buổi trao đổi với TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương về nội dung này.

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: NHIỀU QUYẾT SÁCH QUAN TRỌNG CỦA KỲ HỌP THỨ 7 LÀ TIỀN ĐỀ THUẬN LỢI ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: MONG CHỜ LỜI CAM KẾT VÀ LỘ TRÌNH GIẢI QUYẾT RÕ RÀNG TỪ CÁC TƯ LỆNH NGÀNH

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của nước ta và nội dung về phát triển công nghiệp văn hóa được quy dịnh trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 trình tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua?

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi rất quan tâm đến Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Bởi quan tâm, phát triển văn hóa để làm động lực, nền tảng cho phát triển kinh tế- xã hội nói chung là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta, được thể chế bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhiều chính sách thiết thực. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tôi thấy rằng, văn hóa chưa thực sự phát triển mạnh mẽ, chưa xứng tầm với những tiềm năng, tài nguyên văn hóa của quốc gia. Vì vậy việc xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia riêng, toàn diện, sâu sắc về phát triển văn hóa là vô cùng cần thiết.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, nội dung về phát triển công nghiệp văn hóa được nhiều đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri quan tâm. Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, nhưng ở nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực thì công nghiệp văn hóa đã phát triển rất mạnh mẽ, là “con gà đẻ trứng vàng”, đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế của quốc gia. Với những tiềm năng sẵn có, tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.

Mặc dù quan trọng là thế, nhưng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 cũng chỉ đề cập: “Đến năm 2030, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; phấn đấu đến năm 2035, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước, có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%”. Tôi thấy rằng, nhiệm vụ về phát triển công nghiệp văn hóa được quy định trong Chương trình còn sơ sài và mang tính chất “điểm danh”. Trong khi công nghiệp văn hóa là khái niệm rất rộng (Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa).

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã nêu ra vấn đề này. Nhìn chung, để Chương trình đảm bảo tính khả thi, cần phải xác định rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư nguồn lực để đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Cần phải xác định rõ trong 12 lĩnh vực, lĩnh vực nào cần phải tập trung đầu tư nguồn lực, lĩnh vực nào cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa để phát triển?

Tôi cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá nói chung và nội dung về phát triển công nghiệp văn hoá nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào cuối năm 2021. Do vậy, nhiệm vụ về phát triển công nghiệp văn hóa cần phải được thể hiện rõ nét hơn trong Chương trình để công nghiệp văn hoá thực sự phát triển mạnh mẽ, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá của đất nước.

Phóng viên: Từ thực tế này, đại biểu có góp ý gì khi đưa nội dung về phát triển công nghiệp văn hóa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035?

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Chúng ta thấy, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có tới 12 lĩnh vực, nhưng để phát triển đồng đều tất cả 12 lĩnh vực là điều không hề dễ dàng. Rõ ràng, trong các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, có những lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam, nhưng cũng có lĩnh vực chúng ta còn đang “chập chững” những bước đầu tiên. Bởi vậy, nếu đưa tất cả mọi lĩnh vực của công nghiệp văn hóa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 một cách chung chung chắc chắn là chưa thực sự hợp lý.

Tôi cho rằng, với nguồn lực và ngân sách thực tế của nước ta hiện nay, rất cần phải rà soát một cách kỹ lưỡng, cụ thể để xác định những lĩnh vực trọng tâm của công nghiệp văn hóa để tập trung phát triển, tạo sức bật. Đặc biệt cần quan tâm đến việc phát triển những lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam chúng ta như: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn dân gian, thủ công mỹ nghệ, nhiếp ảnh…

Bên cạnh đó, để công nghiệp văn hóa thực sự phát triển như kỳ vọng, tôi cho rằng, sẽ không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, mà còn cần huy động cả nguồn lực xã hội. Do vậy, cũng rất cần quy định rõ những cơ chế, chính sách đặc thù để kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho lĩnh vực này. Việc tháo gỡ những khó khăn về cơ chế cần phải được đặt lên hàng đầu, bởi chỉ khi có cơ chế thông thoáng, phù hợp, công nghiệp văn hóa ở nước ta mới có động lực thực sự để phát triển.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thu Phương