(Đã xong)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về mua sắm tài sản, nâng cấp, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng

20/08/2024 15:44

Thực hiện Phiên họp thứ 36, chiều 20/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

NGHỊ QUYẾT SỐ 138/2024/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA TÂY ĐOẠN GIA NGHĨA (ĐẮK NÔNG) - CHƠN THÀNH (BÌNH PHƯỚC)

HÀ NỘI: CỬ TRI HUYỆN PHÚ XUYÊN ĐỀ NGHỊ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TƯỢNG ĐÀI CẦU GIẼ

Toàn cảnh Phiên họp

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tóm tắt Tờ trình về nội dung trên, thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh cho biết: Khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Chính phủ ban hành Nghị định để quy định “vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Về vấn đề thẩm quyền, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Xã hội tại văn bản tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ đều cho rằng, việc ban hành Nghị định này thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Văn bản số 3084/UBPL ngày 13/8/2024 của Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu rõ: “Đây là vấn đề đã được các luật điều chỉnhvà dự thảo Nghị định của Chính phủ không thuộc trường hợp phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, không bảo đảm cơ sở pháp lý để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc ban hành Nghị định này. Đề nghị Chính phủ căn cứ vào các luật, nghị quyết có liên quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định việc ban hành Nghị định theo thẩm quyền”.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự Phiên họp

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật và cho rằng, đây là vấn đề đã được luật điều chỉnh và dự thảo Nghị định của Chính phủ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên không có cơ sở để UBTVQH xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị định này vì:

Thứ nhất, Luật Ngân sách nhà nước đã quy định việc lập dự toán, phân bổ và giao dự toán, tổ chức điều hành ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước; đồng thời, Luật cũng quy định về các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi thường xuyên.

Thứ hai, căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 20 của Luật Ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 09/01/2021 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 (áp dụng cho năm ngân sách 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội), trong đó định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế đã bao gồm “Kinh phí bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa thường xuyên các công trình cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ công tác chuyên môn; kinh phí mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc của cán bộ, công chức theo quy định”.

Thứ ba, trên cơ sở Tờ trình số 709/TTr-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ về việc giải thích quy định tại khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư công, ngày 18/01/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành thông báo số 3307/TB-TTKQH, trong đó kết luận: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các luật có liên quan khác không có quy định nào cấm sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết các nội dung này”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh

Về kiến nghị của Thường trực Ủy ban TCNS: Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh cho biết thêm, trên cơ sở các quy định của pháp luật và nội dung tại điểm 1 nêu trên, Thường trực Ủy ban TCNS kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có văn bản thông báo cho Chính phủ các nội dung cụ thể như sau:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng. Đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số  01/2021/UBTVQH15 ngày 09/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên Ngân sách Nhà nước năm 2022 và các văn bản pháp luật có liên quan để xem xét, quyết định việc ban hành Nghị định theo thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Phát biểu kết luận nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nội dung dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư, xây dựng đã được các luật điều chỉnh. Dự thảo nghị định của Chính phủ không thuộc trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cho ý kiến quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết 01 ngày 09/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các văn bản pháp luật có liên quan để xem xét, quyết định việc ban hành nghị định theo thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải giao Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong phiên họp và tóm lược nội dung nêu trên, thông báo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thống nhất với 02 nội dung do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận đối với Nghị quyết về mua sắm tài sản, nâng cấp, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng

Trong khuôn khổ Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất với 02 nội dung do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng với 100% các thành viên tham gia tán thành.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (bên trái) và đại diện các Bộ ngành tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu ý kiến

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất với 02 nội dung do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng với 100% các thành viên tham gia tán thành./.

Bích Lan - Phạm Thắng