Phiên họp thứ hai Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

23/08/2024 08:41

Sáng 23/8, tại Nhà Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật tổ chức Phiên họp lần thứ hai Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Phiên họp.

PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN SOẠN THẢO DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN SOẠN THẢO DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

Quang cảnh Phiên họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Thường trực Ban  soạn thảo đồng chủ trì Phiên họp.

Cùng dự có đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập; lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.

Đến nay cơ bản hoàn thành các bước theo kế hoạch

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Ban soạn thảo dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Luật và các tài liệu liên quan đến Hồ sơ xây dựng dự án Luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm

Trên cơ sở Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, với tinh thần rất khẩn trương, gấp rút để kịp tiến độ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 tới, Hội đồng Dân tộc đã chủ động tham mưu trình UBTVQH thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch xây dựng Luật; hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật; xin ý kiến chủ trương của UBTVQH về phạm vi sửa đổi dự án Luật; tổ chức Hội thảo tham vấn, khảo sát tại 12 địa phương, gửi ý kiến 13 cơ quan của Quốc hội, 24 bộ ngành Trung ương và 63 Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Đến nay, nhiệm vụ tổng hợp, tiếp thu, giải trình khi tham gia dự án Luật đã đến bước gửi Hồ sơ dự án Luật xin ý kiến Chính phủ cơ bản hoàn thành theo kế hoạch”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Để tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trước khi thực hiện các trình tự, thủ tục xây dựng Luật tiếp theo (trước mắt là hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để gửi lấy ý kiến Chính phủ), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, tại Phiên họp này, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật, các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật. Đồng thời Chủ tịch Hội đồng Dân tộc gợi ý một số vấn đề lớn cần tập trung thảo luận sau:

Lưu ý tập trung thảo luận 3 vần đề chính

Các đại biểu dự Phiên họp

Thứ nhất, đề nghị các đại biểu xem xét việc thể hiện dự thảo Luật cho đến nay đã bám sát 5 chính sách của đề nghị xây dựng Luật, các định hướng, nguyên tắc, yêu cầu khi xây dựng Luật hay chưa, các nội dung đã theo đúng mục đích, trong đó có cụ thể hóa Nghị quyết 27-NQ/TW và Chương trình hành động của Đảng đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?

Thứ hai, đề nghị các đại biểu đánh giá về tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật của dự thảo Luật. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, qua quá trình lập đề nghị xây dựng Luật, có thể thấy, dự án Luật này có mối quan hệ chặt chẽ, chi phối nhiều vấn đề tại một số Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật, như: đối với Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

“Việc luật hóa tại một số điều, khoản, một số Nghị quyết của UBTVQH, Quốc hội đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và phổ quát hay chưa? Do đó, yêu cầu về bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật của nội dung dự thảo Luật cần đặc biệt chú trọng”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu cho ý kiến đối với 5 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật

Thứ ba, đề nghị các đại biểu nghiên cứu cho ý kiến đối với 5 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật gồm: việc bổ sung nguyên tắc mới trong Luật về “Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”; về thời điểm Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán nhà nước về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy định tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn, chuyên đề giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; quy định hoạt động giám sát ở mô hình chính quyền đô thị; quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Bên cạnh đó, cần xem xét nội dung dự kiến luật hóa từ quy định trong các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị các đại biểu tham gia thêm các nội dung khác có liên quan đến dự thảo Luật và các tài liệu khác trong Hồ sơ dự án luật, về kỹ thuật lập pháp và sự thống nhất về nội dung của các tài liệu nếu thấy cần thiết. Đối với các chính sách mới, nếu cần xem xét, bổ sung thì cần cân nhắc tính cần thiết,  tính đúng đắn, phù hợp và dự kiến điều khoản cụ thể sẽ bổ sung, gắn các chính sách mới này để làm cơ sở xem xét.

Tiếp theo chương trình, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật điều hành nội dung thảo luận, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung cơ bản nêu trên; cho ý kiến đối với 5 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật; xem xét các nội dung dự kiến luật hóa trong Luật, các nội dung không luật hóa được….

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin nội dung Phiên họp./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Other news