Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cần kịp thời và đồng bộ

09/09/2024 11:29

Để đảm bảo Luật Đất đai được triển khai nhanh chóng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành một cách đồng bộ. Đặc biệt, liên quan đến việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, văn bản hướng dẫn thi hành đã làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục, đồng thời quy định chặt chẽ thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Phổ biến các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024

Để Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống, Chính phủ và các Bộ, ngành đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo rộng rãi ý kiến của các chuyên gia, tổ chức và đối tượng chịu tác động để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành một cách khoa học, sát thực tiễn. Các văn bản này không chỉ đảm bảo tính pháp lý cao mà còn hướng đến việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của từng địa phương và lĩnh vực.

Định rõ nhiệm vụ, quyền hạn Quỹ phát triển đất

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2024/NĐ-CP ngày 31/7/2024 quy định về Quỹ phát triển đất. Theo đó, Nghị định nêu rõ nhiệm vụ của Quỹ phát triển đất bao gồm: Quản lý, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện các nhiệm vụ ứng vốn theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; thực hiện thu hồi vốn ứng theo quy định; chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản, kế toán, kiểm toán và các quy định khác có liên quan; quyết định dừng, thu hồi vốn ứng khi phát hiện tổ chức được ứng vốn vi phạm quy định về sử dụng vốn ứng hoặc chậm hoàn trả vốn ứng; kiểm tra đối với việc sử dụng vốn ứng và thu hồi vốn ứng theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định này; xác định chi phí quản lý vốn ứng theo quy định tại Điều 17 Nghị định này; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định; báo cáo đột xuất về tình hình quản lý, sử dụng vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Nghị định 104/2024/NĐ-CP đã định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ phát triển đất (Ảnh minh họa)

Nghị định cũng quy định các quyền hạn của Quỹ phát triển đất: Tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ phát triển đất theo đúng mục tiêu và các nhiệm vụ được giao; Ban hành quy chế, quy trình nghiệp vụ để điều hành hoạt động của Quỹ phát triển đất; Kiểm tra việc tuân thủ mục đích sử dụng vốn ứng của dự án, nhiệm vụ được Quỹ phát triển đất ứng vốn; Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng, hoàn trả vốn ứng; Các quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Theo Nghị định quy định, cơ cấu tổ chức của Quỹ phát triển đất gồm có: Hội đồng quản lý; ban kiểm soát; cơ quan điều hành nghiệp vụ. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc của Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ được thực hiện theo quy định tại các Điều 9, 10 và 11 Nghị định này. Quỹ phát triển đất hoạt động theo mô hình độc lập hoặc mô hình ủy thác. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định Quỹ phát triển đất hoạt động theo mô hình độc lập thì thực hiện theo quy định tại các Điều 9, 10 và 11 Nghị định này. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc Quỹ tài chính khác của địa phương quản lý Quỹ phát triển đất thì thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Quy định rõ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Trước đó, ngày 15/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2024/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Theo Nghị định này, bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất được quy định như sau: Giá đất tính tiền sử dụng đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng đất ở, đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Văn bản hướng dẫn thi hành quy định rõ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Ảnh minh họa)

Trường hợp bồi thường bằng cho thuê đất thu tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì giá đất tính tiền thuê đất là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho tổ chức kinh tế có đất ở thu hồi là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

Người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở mà có chênh lệch giá trị giữa tiền bồi thường, hỗ trợ về đất với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất khác hoặc tiền mua nhà ở thì xử lý như sau: Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất lớn hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc tiền mua nhà ở thì người có đất thu hồi được nhận phần chênh lệch; Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất nhỏ hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc tiền mua nhà ở thì người có đất thu hồi phải nộp phần chênh lệch.

Nghị định số 88 nêu rõ, các trường hợp khác được bồi thường về đất bao gồm: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 01/7/2014 mà đã sử dụng đất ổn định, thuộc các trường hợp được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm được giao hoặc sử dụng đất do mua, nhận thanh lý, hóa giá, phân phối nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất không đúng quy định của pháp luật nhưng đã sử dụng đất ổn định trước ngày ngày 01/7/2014; Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà loại đất xác định trên giấy tờ đã cấp khác với phân loại đất theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai hoặc khác với hiện trạng sử dụng đất thì bồi thường theo loại đất sau khi được xác định lại theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Đất đai; Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp mà đất đó đã sử dụng ổn định trước ngày 01/7 /2004 nhưng không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục

Đặc biệt, liên quan đến việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Chính phủ đã có Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 quy định đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai.

Về thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy nhận (điều 22, Nghị định 101), ông Hiếu cho biết, nội dung tại Điều này được bố cục theo các trường hợp đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024. Đáng lưu ý, để làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục thì Nghị định 101 đã quy định về thời gian theo hướng không tính thời gian cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định…

Nghị định số 101/2024/NĐ-CP đã làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Ảnh minh họa)

Tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 20 ngày làm việc; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 3 ngày làm việc.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, gồm: Hợp thửa đất hoặc tách thửa đất; Người thuê, thuê lại quyền sử dụng đất của nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng; Dự án đầu tư có sử dụng đất mà điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trường hợp chủ đầu tư dự án đã được cấp Giấy chứng nhận cho toàn bộ diện tích đất thực hiện dự án mà có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho từng thửa đất theo quy hoạch xây dựng chi tiết đã được phê duyệt./.

Hồ Hương