Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam giám sát hoạt động khai thác khoáng sản

11/09/2024 17:34

Sáng 11/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản, giai đoạn 2017 - 2023 tại Công ty CP Sơn Hiệp Phú (Quế Hiệp, Quế Sơn).

Đoàn ĐBQH Quảng Nam giám sát các mỏ khoáng sản dọc sông Thu Bồn

Đoàn giám sát làm việc với Công ty CP Sơn Hiệp Phú

Đoàn giám sát do ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Nam dẫn đầu.

Công ty CP Sơn Hiệp Phú khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp, xây dựng công trình bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực hố Hữu, thôn Nghi Sơn, Quế Hiệp, Quế Sơn. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định theo đúng các quy định của pháp luật, thực hiện các khoản nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước và đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương.

Đoàn giám sát đánh giá, doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm túc và triển khai thực hiện đúng các văn bản quy định của nhà nước trong khai thác khoáng sản. Các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, xã thanh tra, kiểm tra đánh giá khả quan qua từng năm. Doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương (13/15), trừ những khâu sản xuất yêu cầu kỹ thuật cao mà người địa phương không đáp ứng được. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, xử lý tiếng ồn...

Ông Lê Tấn Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sơn Hiệp Phú cho biết, sản xuất, kinh doanh khoáng sản của mỏ đá vẫn còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân chính là một số chính sách quy định của pháp luật còn rườm rà, chưa sát thực tiễn nhưng chậm xem xét điều chỉnh.Việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp chưa kịp thời... Ông Trung kiến nghị cần xem xét, điều chỉnh bổ sung Luật Khoáng sản cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ tra cứu. Cho phép doanh nghiệp khoáng sản được khấu trừ tiền giải phóng mặt bằng vào tiền thuê đất và giảm 2% thuế VAT như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng khác. Việc tính thuế tài nguyên khoáng sản đá khai thác nên thống nhất tính ở khâu nổ mìn tạo ra đá nguyên khai, không nên tính theo giá bán từng loại đá thành phẩm sau khi đã được gia công nghiền nát.

Ngoài ra, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép gia hạn khai thác nếu mỏ còn khối lượng hay thay đổi cos khai thác, mở rộng phạm vi khai thác khảo sát, đánh giá mỏ còn trữ lượng nhiều về chiều sâu cũng như trữ lượng đá khu vực liền kề mỏ để tránh lãng phí tài nguyên.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát không quá một lần trong một năm. Các cấp thẩm quyền cắt giảm bớt hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động khoáng sản, nhất là các thủ tục về đất đai, điều chỉnh, bổ sung, gia hạn giấy phép. Cơ quan chức năng cần xem xét giải quyết trả lời, trả hồ sơ đúng quy định, không để kéo dài, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Lê Tấn Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sơn Hiệp Phú kiến nghị nhiều vấn đề về thực hiện quản lý, khai thác khoáng sản với Đoàn giám sát.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước ghi nhận, đánh giá cao sự linh hoạt của doanh nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn để thực hiện đúng chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản. Những kiến nghị xác đáng của doanh nghiệp là một trong những cơ sở để Đoàn giám sát xây dựng báo cáo, chuẩn bị tham gia góp ý vào dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

Đoàn giám sát đề nghị doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, quan tâm trách nhiệm cộng đồng, tạo sự đồng thuận với người dân tại địa bàn doanh nghiệp hoạt động. Đoàn sẽ làm việc với lãnh đạo tỉnh, đề xuất giải quyết những vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại mỏ đá Hố Hữu (Nghi Sơn, Quế Hiệp, Quế Sơn).

(Theo báo Quảng Nam)