Tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật

13/09/2024 08:45

Nhận định và đánh giá cao công tác thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 đạt kết quả tích cực với nhiều đổi mới, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, thời gian tới Chính phủ tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó, chú trọng đề cao trách nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật;…

UBTVQH cho ý kiến về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH năm 2024

Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, Đảng đã có nhiều chủ trương, đường lối kịp thời trong chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên quan tâm, giám sát; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương luôn coi công tác xây dựng, thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm cần đầu tư nguồn lực thực hiện.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Cơ bản tán thành với những kết quả đạt được trong công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nghiêm túc triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật. “Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết năm 2024 thể hiện tính kịp thời, tập trung, có nhiều đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp và nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện. Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp cơ bản bảo đảm tiến độ, không có tình trạng xin rút các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh...”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực, trách nhiệm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành việc xây dựng triển khai tổ chức thi hành pháp luật. Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục cụ thể hóa những chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội; tập trung xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Chính phủ cũng đã xây dựng Nghị quyết 126/NQ-CP về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời triển khai hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Bên cạnh đó, Chính phủ đã tiếp tục hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, mâu thuẫn chồng chéo, bất cập, qua đó cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thi hành pháp luật...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, xác định nội dung lập danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và chỉ đạo tăng cường thực hiện một số giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng văn bản.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết năm 2024 cần khắc phục. Một trong những bất cập được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ra qua quá trình thẩm tra sơ bộ là số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết phải trình ở từng kỳ họp Quốc hội rất lớn nhưng chưa bảo đảm sự cân đối giữa các lĩnh vực; nhiều dự án được bổ sung vào Chương trình sát thời điểm tổ chức kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể, thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chia sẻ với nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy kiến nghị, Chính phủ trong xây dựng kế hoạch cần phân bổ, sắp xếp các luật có thứ tự ưu tiên hợp lý, tránh dồn vào một thời điểm để đảm bảo công tác soạn thảo, thẩm tra đạt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đồng thời, chú ý tới khâu tổ chức thực thi và yêu cầu các bộ phải rất quyết liệt để đảm bảo được đúng tiến độ trình như cam kết.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng lưu ý, có những vấn đề trong thực tiễn các quan hệ xã hội vẫn còn đang vận động, đang phát triển và có thể thay đổi, quá trình soạn thảo các Bộ đều luật hóa để đưa vào dự thảo. Tuy nhiên, quá trình thẩm tra cho thấy một số nội dung không nhất thiết phải đưa vào trong dự thảo, việc luật hóa dẫn đến phá vỡ toàn bộ tính tổng quát và giá trị phổ quát của văn bản luật. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, các ngành trong quá trình xây dựng cần hết sức cân nhắc, rà soát kỹ những chế định nào phải luật hóa và chế định nào không nhất thiết phải quy định tại văn bản luật; có thể xử lý thông qua quy định tại văn bản chỉ đạo, điều hành đối với những vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn mang tính ngắn hạn,...

Ngoài ra, đối với công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, công tác này đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo năm 2023 tổng số văn bản đã được rà soát rất lớn, hơn 33.000 văn bản, tăng 3.943 văn bản so với năm 2022. Tổng số văn bản đã xử lý sau rà soát là trên 5.000 văn bản, tăng 938 văn bản so với năm 2022. Tuy nhiên, trong kỳ báo cáo lần này, số lượng văn bản có quy định trái pháp luật vẫn chiếm tỷ lệ cao, do đó đề nghị Chính phủ nêu rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp để khắc phục.

Các ý kiến cũng đề nghị, cần nghiên cứu hoàn thiện tiêu chí, quy trình, thủ tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất, hiệu quả; cải tiến, đổi mới, xây dựng cơ chế phối  hợp để nâng cao chất lượng công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật;...

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và khắc phục tình trạng nợ đọng; tăng cường xử lý các văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, có những sơ hở, có dấu hiệu tiêu cực, trái pháp luật mà đã được phát hiện sau giám sát, kiểm tra, rà soát;... Để thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; bố trí đủ điều kiện, nguồn nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật./.

Lê Anh