Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Tiếp tục hoàn chỉnh các Báo cáo về công tác tư pháp năm 2024 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

13/09/2024 11:56

Phát biểu kết luận tại Phiên họp thứ 37 cho ý kiến về các Báo cáo của Chính phủ và các Báo cáo về công tác tư pháp năm 2024 vào sáng 13/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH đánh giá cao Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC đã chuẩn bị các báo cáo năm 2024 có nhiều đổi mới, cẩn thận, kỹ lưỡng, công phu. Các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp thể hiện khá toàn diện các mặt của công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng… UBTVQH cơ bản thống nhất với các báo cáo và nhận thấy, các báo cáo đủ điều kiện để tiếp tục hoàn thiện, tiếp thu, trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.

UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các báo cáo về công tác tư pháp năm 2024

Toàn cảnh Phiên họp

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự Phiên họp đánh giá cao các Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng thời đánh giá cao các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các nội dung này.

Cần phân tích, làm rõ những vấn đề mới, vấn đề nổi lên của năm

Đánh giá cao kết quả đạt được của Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về vấn đề này, báo cáo rất toàn diện, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm đánh giá, nhận định khát quát về điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta trong năm qua rất khó khăn, thiên tai, dịch bệnh tác động, thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhưng với sự nỗ lực rất cao của ngành tư pháp, đặc biệt là ngành công an, các chỉ tiêu về phòng, chống tội phạm đã đạt, đạt cao nhất là ổn định tình hình an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội để phục vụ tốt cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Công tác điều tra, xử lý tội phạm đạt tới 78,15%, các ý kiến cho rằng, đây là một tỷ lệ đạt rất cao, nhiều vụ án được điều tra xử lý, những vụ án rất khó, đặc biệt những vụ án trong phòng, chống tham nhũng, một vụ án cảnh tỉnh cho cả vùng, cả lĩnh vực. Các ý kiến cũng ghi nhận và đánh giá rất cao các cơ quan tư pháp không xảy ra oan sai trong năm 2024.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, các ý kiến đề nghị cần bổ sung đánh giá  thêm về nguyên nhân của kết quả đạt được cũng như nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

Để cho công tác phòng, chống tội phạm năm tới và những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị phải quy định trách nhiệm cụ thể, những chỉ tiêu cụ thể trong công tác phòng, ngừa xã hội, lĩnh vực nào, ngành nào phải có những đánh giá cụ thể. “Ví dụ để phòng ngừa lừa đảo trên không gian mạng, ngành thông tin, truyền thông, ngành văn hóa hay ngành công an chịu trách nhiệm trong công tác phòng, ngừa?”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu dẫn chứng. Vì vậy, cần có đánh giá cụ thể và quy định cụ thể về trách nhiệm trong công tác phòng, ngừa khi vụ việc xảy ra trên lĩnh vực nào thì ngành đó, địa phương đó chịu trách nhiệm. Quy định như vậy sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, báo cáo năm nay của Chính phủ, của TANDTC, của VKSNDTC cả về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng có những đổi mới và cơ bản cũng tổng hợp được số liệu, phản ánh tương đối rõ kết quả trên các mặt công tác.

Đồng tình với các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp rất cụ thể, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Báo cáo thẩm tra mới nêu được tình hình và đề xuất một số các kiến nghị như lâu nay đã kiến nghị, do đó cần chọn ra những vấn đề nổi lên của năm để tập trung phân tích rõ.

“Phải thẩm tra một cách toàn diện, những vấn đề gì nổi lên của năm nay khác so với năm trước cho rõ để báo cáo, thẩm tra và thống nhất đề xuất giải quyết cho năm sau. Trong kiến nghị nên có các thời hạn, nhất là kiến nghị về các giải pháp thực hiện, còn giải pháp về hoàn thiện thể chế ví dụ như sửa luật, như sửa đổi Nghị định, Thông tư thì dài hơi hơn nhưng tổ chức thực hiện thì kiến nghị phải có thời hạn giải quyết dứt điểm hoặc giải quyết một phần”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị.

Đồng tình với các ưu điểm trong Báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, tội phạm vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, kể cả về thiệt hại tài sản, một số loại tội phạm tăng mạnh như tội phạm có tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt, tham ô tài sản, đánh bạc trên Internet… Do đó, đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cần có đánh giá rõ hơn vì sao loại tội phạm này tăng mạnh? Ngoài các nguyên nhân khách quan, đề nghị phân tích các loại vi phạm tăng mạnh này có nguyên nhân cơ bản, chủ quan là gì, từ góc độ quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn nội dung này.

Các báo cáo về công tác tư pháp năm 2024 có nhiều điểm sáng tích cực

Đối với báo cáo của TANDTC và VKSNDTC, các đại biểu nhận thấy, so với năm 2023, các chỉ tiêu cũng như các nội dung được nêu trong 2 báo cáo này đều có nhiều điểm tích cực, có nhiều chỉ tiêu tăng hơn so với năm trước; tỷ lệ giải quyết một số nội dung đạt hoặc vượt so với yêu cầu đã được nêu trong Nghị quyết 96 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV.

 Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Huy Tiến giải trình, làm rõ một số nội dung mà các thành viên UBTVQH nêu

Đặc biệt đối với ngành kiểm sát, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy tiếp tục có nhiều chỉ tiêu đạt mức phấn đấu rất cao, có chỉ tiêu đạt 99,9%-100%. Đây là một điểm rất tích cực của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong năm 2024.

Liên quan đến báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, các đại biểu đánh giá cao công tác chuyển đổi số cũng như việc hoàn thiện thể chế xây dựng pháp luật của Tòa án trong năm 2024. Các nhiệm vụ liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế đã được Tòa án tích cực triển khai và đến nay cơ bản đã hoàn thành những nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng tại Phiên họp, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Huy Tiến, đại diện lãnh đạo TANDTC, Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã giải trình, làm rõ các nội dung mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu. Cảm ơn các ý kiến góp ý của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Huy Tiến cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiền này, đồng thời tiếp tục xem xét, chấn chỉnh những mặt tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra các biện pháp, giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Các báo cáo đủ điều kiện để tiếp tục hoàn thiện, tiếp thu, trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Phiên họp có nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, sâu sắc, các thành viên UBTVQH và các đại biểu dự họp đã phát biểu nhiều ý kiến cụ thể. Đại diện các Cơ quan chủ trì đã báo cáo rõ thêm, tiếp thu, giải trình các nội dung mà UBTVQH và Báo cáo thẩm tra nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp

UBTVQH đánh giá cao Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC đã chuẩn bị các báo cáo năm 2024 có nhiều đổi mới, tuy là các báo cáo thường kỳ được làm hàng năm theo quy định của các luật có liên quan nhưng năm nay đã được chuẩn bị kỹ, có nhiều tình hình mới, diễn biến mới, được chuẩn bị cẩn thận, nghiêm túc, kỹ lưỡng, công phu, đúng quy định của các Luật và chỉ đạo của Quốc hội, UBTVQH trong các nghị quyết, công văn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp được thể hiện sâu sắc, cụ thể, bao quát nhiều thông tin, có tính phản biện cao, khá toàn diện các mặt của công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng… Trong quá trình nghiên cứu xây dựng Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp đã thường xuyên đã chủ động thu thập thông tin từ các nguồn thông tin chính thống như qua khảo sát, giám sát…

“Ủy ban Tư pháp đã tổ chức các Đoàn khảo sát tại 8 địa phương, 4 trại giam của Bộ Công an, yêu cầu các cơ quan của 5 thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo bằng văn bản về công tác tư pháp, về công tác phòng chống tham nhũng; đã tổ chức giám sát chuyên đề về chấp hành pháp luật tạm giữ tạm giam trong cả nước. Trên cơ sở đó, các thông tin từ các đợt khảo sát, các đợt nghiên cứu được đưa vào Báo cáo thẩm tra, góp phần giúp Báo cáo thẩm tra sâu sắc, sinh động hơn và có tính phản biện”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nhìn chung, các ý kiến phát biểu tại Phiên họp đều đánh giá cao các Báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC với nhiều đổi mới, kết quả của các công tác tư pháp này khá cao so với yêu cầu đặt ra, nhiều chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt so với mức Quốc hội giao cả về xây dựng, hoàn thiện thể chế, về đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đổi mới công tác quản lý nghiệp vụ trong ngành, xử lý công việc phát sinh trên tất cả các lĩnh vực theo chuyên môn và theo chức năng nhiệm vụ.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, biên chế không tăng, công việc ngày càng nặng nề, điều kiện ưu đãi và điều kiện bảo đảm còn hạn chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đạt được các kết quả như trong các Báo cáo đã nêu thể hiện sự cố gắng rất lớn của các lực lượng công tác chuyên môn và các cơ quan quản lý Nhà nước của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC. UBTVQH cũng đánh giá rất cao các kết quả này.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến và Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ dự Phiên họp

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ các mặt công tác vẫn còn một số hạn chế đã được thể hiện trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra.“Hệ thống pháp luật còn những điều chưa phù hợp, cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Các số liệu cần tiếp tục bổ sung, làm rõ thực chất của kết quả đạt được, nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan và giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cơ quan có tốt hơn nhưng cần phải tiếp tục cập nhật các số liệu để đảm bảo tính thống nhất giữa các báo cáo”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự phối hợp tốt của các cơ quan khối tư pháp và Chính phủ, giữa các cơ quan Trung ương và cơ quan địa phương, giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Mặt trận, đoàn thể, cùng với sự giám sát, tham gia tích cực của Nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hiện phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, các hoạt động tư pháp khác.

“Có thể nói, trong bối cảnh rất khó khăn của tình hình thế giới và trong nước, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật có diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều điều kiện mới, phát sinh tội phạm mới, các tranh chấp, khiếu kiện với số lượng tăng nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tốt của các cơ quan trong hệ thống chính trị thì công tác của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan chuyên môn của Chính phủ đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu tiếp tục cải thiện so với năm trước”, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định. Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao và cơ bản thống nhất với các báo cáo, nhận thấy các báo cáo đủ điều kiện để tiếp tục hoàn thiện, tiếp thu, trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Hoàn thiện, bổ sung nội dung hồ sơ, số liệu, làm rõ những vấn đề mới, những vấn đề nổi bật khác với các năm trước

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo, làm rõ những vấn đề mới, những vấn đề nổi bật khác với các năm trước

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo, cập nhật đủ số liệu 12 tháng, tính từ 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024 để báo cáo Quốc hội. Lưu ý các đề xuất, đề nghị, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp trong việc hoàn thiện, bổ sung nội dung hồ sơ, thông tin, số liệu, làm rõ những vấn đề mới, những vấn đề nổi bật khác với các năm trước.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những vấn đề mới của cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm rõ để Nhân dân thấy được kết quả tốt và tăng thêm sự đồng thuận, tăng thêm sự tin tưởng của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng.“Đề nghị cần thể hiện rõ nét những vấn đề mới, những kết quả nổi bật, kể cả những tồn tại, hạn chế, những số liệu tăng, giảm cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, có thể nêu địa chỉ cụ thể và chỗ nào xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thì xác định rõ trách nhiệm càng tốt”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu thể hiện các giải pháp về tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt các luật, các nghị quyết vừa được Quốc hội, Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây và tiếp tục hoàn thiện thể chế các Đề án, các văn bản theo Nghị quyết 27 của Trung ương và Kết luận 11 của Bộ Chính trị. Đồng thời đề nghị các cơ quan chuẩn bị hoàn chỉnh báo cáo để thẩm tra, đồng thời chuẩn bị báo cáo tóm tắt.

Trên cơ sở báo cáo đầy đủ của các cơ quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Ủy ban Tư pháp tiếp tục hoàn chỉnh các Báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

“Trong Báo cáo thẩm tra, đề nghị thể hiện rõ quan điểm của Ủy ban Tư pháp tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử lý các kiến nghị của các cơ quan nêu trong báo cáo, kể cả việc sửa Nghị quyết 96, đề nghị Viện kiểm sát cũng sửa lại báo cáo là không kiến nghị sửa Nghị quyết 96 nữa mà kiến nghị các cơ quan nghiên cứu sửa vào thời điểm phù hợp sau khi tổng kết thực tiễn một cách đầy đủ. Theo đó, có thể đưa vào báo cáo về kiến nghị là sửa Luật Hoạt động giám sát để thống nhất số liệu từ 1/1-31/12 hằng năm và đưa vào kỳ họp giữa năm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành của Chính phủ tham dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Phiên họp

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tham gia đóng góp ý kiến tại Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy 

Các đại biểu dự Phiên họp

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng giải trình, làm rõ một số nội dung mà các thành viên UBTVQH nêu

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Huy Tiến giải trình, làm rõ một số nội dung mà các thành viên UBTVQH nêu

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại Phiên họp

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức