Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã 11 tỉnh

26/09/2024 10:41

Sáng 26/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 26 (đợt 2) thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long. Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Phương Thủy, Ngô Trung Thành, Nguyễn Trường Giang, Trần Hồng Nguyên đồng chủ trì phiên họp.

Ủy ban Pháp luật thẩm tra 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có: các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội.

Cùng dự phiên họp còn có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; đại diện lãnh đạo các tỉnh Bắc Giang, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu khai mạc phiên họp

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, để chuẩn bị nội dung phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đợt 2 - tháng 9/2024), Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp phiên họp toàn thể lần thứ 26 (đợt 2) để thẩm tra các nhóm nội dung liên quan đến các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cụ thể: Thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã  giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh Bắc Giang, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long; Thẩm tra Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, cũng trong khuôn khổ phiên họp thứ 26 (đợt 2) sẽ thẩm tra đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là 1 chủ trương lớn theo yêu cầu tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội. Theo đó, nghị quyết yêu cầu, tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp năm 2025. Vừa qua, các địa phương, các cơ quan đã khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ để trình Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng 

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các tỉnh thì không thay đổi số lượng ĐVHC cấp huyện; giảm 77 ĐVHC cấp xã, cụ thể: tỉnh Bắc Giang không thay đổi số lượng ĐVHC cấp huyện (10 đơn vị) nhưng có tăng 01 thị xã, giảm 01 huyện; giảm 17 ĐVHC cấp xã (giảm 32 xã, giảm 01 thị trấn, tăng 16 phường); tỉnh Đắk Lắk giảm 04 ĐVHC cấp xã (02 xã, 02 phường); tỉnh Đồng Nai giảm 11 ĐVHC cấp xã (04 xã, 07 phường); tỉnh Thái Bình giảm 18 xã;… Việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp của các tỉnh thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục, các tỉnh đều đề nghị, giữ nguyên trạng các cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) để bảo đảm đủ cơ sở vật chất trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn; Nhập các Trạm y tế của  ĐVHC cấp xã (cũ) để thành lập Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (mới); đồng thời các trạm y tế cũ được sử dụng làm cơ sở hoạt động các chương trình y tế cộng đồng thuộc Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (mới) để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn hoặc được sắp xếp theo hướng dẫn của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực.

Về bố trí, giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp ĐVHC, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh có sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện nhưng không có cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện dôi dư. Đối với cấp xã, các Đề án đã rà soát, thống kê số lượng cán bộ, công chức, viên chức y tế và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có mặt, số lượng dự kiến bố trí sau sắp xếp và số lượng dôi dư….

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của 11 tỉnh trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Các Đề án đều đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng, đầy đủ thành phần Hồ sơ, tài liệu và nội dung theo quy định.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; tán thành với phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, phương án giải quyết trụ sở, tài sản công tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp của các tỉnh như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia 

Tuy nhiên, để hoàn thiện Đề án, các đại biểu đề nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương bổ sung thông tin, giải trình cụ thể đối với một số nội dung, cụ thể: Đề nghị tỉnh Thái Bình giải trình, làm rõ thêm lý do của việc vẫn còn số lượng khá lớn các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp (44/61 ĐVHC cấp xã) nhưng chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 -2025; dự kiến kế hoạch rà soát và phương án, lộ trình sắp xếp đối với các đơn vị này trong giai đoạn tới.

Đối với tỉnh Tiền Giang giải trình, làm rõ lý do Phường 1, thành phố Mỹ Tho sau sắp xếp vẫn chưa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo yêu cầu của công tác sắp xếp; tỉnh Bắc Giang giải trình, làm rõ lý do xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn sau khi được điều chỉnh đường địa giới ĐVHC với xã Thanh Hải vẫn chưa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo yêu cầu của công tác sắp xếp; bổ sung lý do đề nghị chưa sắp xếp xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế trong giai đoạn 2023 - 2025 và việc quy hoạch phát triển xã Lam Sơn thành thị trấn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Liên quan tới việc bố trí, giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp ĐVHC; giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp ĐVHC, các đại biểu đề nghị rà soát kỹ lưỡng, có phương án cụ thể, khả thi và cam kết thực hiện. Đồng thời, đề nghị chỉnh lý cách hành văn trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm thống nhất; xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các tỉnh;…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, các ý kiến đánh giá cao và cơ bản tán thành nội dung các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Hồ sơ các Đề án bảo đảm đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền tại phiên họp thứ 37.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đề nghị, Bộ Nội vụ, các địa phương bổ sung nội dung giải trình ý kiến nêu tại phiên thẩm tra. Trong đó, giải trình thêm về kết quả phân loại đô thị đối với các thị trấn Long Hồ, Trà Ôn, Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) hình thành sau sắp xếp, vì theo quy định của Nghị quyết số 1210 việc phân loại đô thị đối với thị trấn được thực hiện căn cứ vào quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt mà không phải chỉ căn cứ vào nhiệm vụ quy hoạch đô thị như Đề án trình; tỉnh Thái Bình giải trình, làm rõ thêm lý do của việc vẫn còn số lượng khá lớn các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp (44/61 ĐVHC cấp xã) nhưng chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 -2025;...

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy lưu ý về các nội dung cam kết trong Đề án, đề nghị xác định kỹ lưỡng về thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc thực hiện.

***Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Quang cảnh phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu khai mạc phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tham dự phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Đại diện lãnh đạo các tỉnh tham dự phiên họp

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An phát biểu 

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Lưu Văn Đức phát biểu

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam phát biểu 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

Ủy ban Pháp luật  thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã  giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long./.

Lê Anh - Nghĩa Đức