Đề nghị bổ sung Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Tp. Hải Phòng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024

26/09/2024 11:37

Sáng 26/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 26 (đợt 2), Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Phương Thủy, Ngô Trung Thành, Nguyễn Trường Giang, Trần Hồng Nguyên đồng chủ trì phiên họp.

Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã 11 tỉnh

Toàn cảnh phiên họp

Tham gia phiên họp có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân; đại diện Bộ Tư pháp cùng số bộ, ngành có liên quan;…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

Báo cáo tại phiên hop, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, sau 5 năm xây dựng và phát triển kể từ thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW, thành phố Hải Phòng đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố còn gặp khó khăn, vướng mắc trong mô hình quản lý hiện nay, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa bàn đang phát triển năng động. Vì vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản trị, điều hành của chính quyền thành phố Hải Phòng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong giai đoạn tới; khắc phục những khó khăn, vướng mắc của tổ chức chính quyền thành phố hiện nay, tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh và bền vững, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng là cần thiết.

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng đề xuất các chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng theo 2 hướng chính: Thứ nhất, quy định rõ mô hình tổ chức chính quyền đô thị; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng, quận, thành phố thuộc thành phố và phường khi tổ chức chính quyền đô thị (không tổ chức Hội đồng nhân dân quận và Hội đồng nhân dân phường); Thứ hai, đề xuất các quy định nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong mô hình chính quyền đô thị.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Về dự kiến thời điểm trình, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2024; quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, tháng 10/2024).

Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu tán thành sự cần thiết xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng nhằm thể chế hóa chủ trương, mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định rõ đến năm 2025 “xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế và những kết quả mà địa phương đã đạt được trong thời gian qua. Hồ sơ đề nghị của Chính phủ bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước và phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là các nội dung về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương do Luật quy định.

Về nội dung cơ bản của các chính sách trong dự thảo Nghị quyết, các ý kiến cơ bản tán thành với nội dung của các chính sách trong dự thảo Nghị quyết như Chính phủ đề xuất. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo các quy định về mô hình chính quyền đô thị tại Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng để xây dựng, trình Quốc hội ban hành các quy định về mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng bảo đảm phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương.

Liên quan tới dự kiến thời điểm trình, các đại biểu tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này ngay tại kỳ họp thứ 8 sắp tới sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý để địa phương kịp thời chuẩn bị công tác nhân sự và tổ chức bộ máy, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển của địa phương trong giai đoạn tới làm cơ sở cho việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 trong năm 2025.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy 

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nêu rõ, các ý kiến tán thành bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, tháng 10/2024). Ngay sau phiên họp, đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục hoàn thiện Báo cáo thẩm tra, sớm báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

Lê Anh - Nghĩa Đức