Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

27/09/2024 15:41

Chiều 27/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên họp.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 8

Toàn cảnh Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, làm việc với một số cơ quan, đơn vị để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 09 chương, 100 điều, giảm 02 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Trình bày dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật hiện đã bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng đã được rà soát với các luật có liên quan và các điều ước quốc tế; chỉnh lý, hoàn thiện các điều, khoản liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, chỉnh lý các từ ngữ được sử dụng để bảo đảm tính chính xác, thống nhất; bố trí các từ ngữ được sử dụng nhiều lần tại Điều 3, các từ ngữ chỉ sử dụng một lần tại một điều, khoản cụ thể.

Liên quan đến ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định “danh lam thắng cảnh” gắn với yếu tố công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, khoa học là chưa hợp lý, dự thảo Luật đã được chỉnh lý tại khoản 4 Điều 3 về nội dung này để bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy định về di sản thiên nhiên tại khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng

Đồng thời, dự thảo Luật cũng rà soát, chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hoá. Theo đó, dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho một số hoạt động có tính đặc thù (Điều 7); biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam (Điều 19); nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 84); đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng  kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 85); điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90)…

Nhìn chung tính đến thời điểm hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện hầu hết các điều, khoản, như các quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; sở hữu di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể, di sản tư liệu; các quy định về bảo tàng, hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa và điều kiện bảo đảm...

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung lớn trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); đồng thời cho rằng, các nội dung dự thảo Luật đến thời điểm hiện tại đã bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn được Quốc hội thông qua, thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Di sản văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Các đại biểu tại Phiên họp

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật cũng như Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, các đại biểu cũng đã góp ý cụ thể thêm về các nội dung liên quan đến: Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích và điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích; dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; việc thu hồi, mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Phiên họp

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng đã báo cáo thêm về quá trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các bên liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo Luật; đồng thời làm rõ thêm các vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn, góp ý tại Phiên họp.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ phía Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong quá trình hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật. Sau Phiên họp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu, rà soát để hoàn thiện, đảm bảo chất lượng dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh 

Phát biểu kết thúc nội dung Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nhìn chung, các chính sách lớn và các nội dung chính của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đến nay đã đạt được sự thống nhất, đồng thuận giữa Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra. Đối với các ý kiến đóng góp cụ thể tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Thường trực Ủy ban sẽ lắng nghe và cố gắng tiếp thu tối đa để hướng tới hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đảm bảo chất lượng tốt nhất. “Bên cạnh đó, đối với các vấn đề về kỹ thuật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ phối hợp cùng với Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.

Sáng mai (28/9), Phiên họp sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà giáo; dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; dự thảo Báo cáo tham gia thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đối với lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên họp

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Uyên Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền

Các đại biểu tại Phiên họp

Thu Phương – Nghĩa Đức