Đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết sâu rộng trong các FTA

30/09/2024 20:45

Ngày 30/9, tại TP. Đà Nẵng, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức Hội nghị Chuyên đề về công tác điều ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà tiếp Phó Chủ tịch Đảng Lực lượng Nhân dân, Cộng hòa Dominica

Tham dự hội nghị có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến, Lê Anh Tuấn, Lê Thu Hà cùng đại diện lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư…

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế mở nhất thế giới với việc ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đặc biệt là thành viên của 16 FTA.

Việc thực hiện có hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đã tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân, cải thiện đời sống Nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỷ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến, với 16 FTA cùng nhiều điều ước quốc tế khác đã ký, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng qua triển khai cũng bộc lộ những vấn đề cần xem xét, điều chỉnh. Bên cạnh đó, thế giới thay đổi rất nhanh và rất nhiều, đến bây giờ thế giới đa cực đã hình thành rõ. Do đó, chúng ta cần thực hiện “ngoại giao cây tre” trong lĩnh vực kinh tế, có cách ứng xử để đảm bảo lợi ích Quốc gia là cao nhất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng chỉ rõ, thực tiễn triển khai các FTA cho thấy, còn nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng mức độ ưu đãi thuế thông qua việc áp dụng các quy tắc xuất xứ và giấy chứng nhận xuất xứ trong các FTA do các doanh nghiệp Việt Nam chưa nâng cao giá trị gia tăng trên hàng hóa xuất khẩu bằng việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, chuyển từ gia công sang sản xuất các mặt hàng có giá trị hàm lượng khoa học và sáng tạo cao.

Nhiều mặt hàng lợi thế của Việt Nam có tỷ lệ sử dụng C/O đạt từ 92-100% trong các FTA như: ngô, lúa mì, giấy các loại, phân bón, ô tô tải, một số sản phẩm sắt thép, các sản phẩm giày dép, dệt may… tuy nhiên giá trị xuất khẩu chưa cao. Trong khi đó, hàng năm Việt Nam cũng phải đối mặt với khá nhiều các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp (như Ấn Độ khởi xướng điều tra với sản phẩm ván sợi bằng gỗ, sản phẩm khuôn in kỹ thuật số, thép mạ nhôm và sản phẩm phụ gia chăn nuôi, Thái Lan tiến hành rà soát chống bán phá giá với sản phẩm thép Việt Nam, Philippines tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ chống lại mặt hàng gạo Việt Nam…).

Quang cảnh hội nghị

Mặt khác, không loại trừ rủi ro hàng hóa, sản phẩm của nước thứ ba “đội lốt” hàng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi trong CPTPP nói riêng và các FTA nói chung hoặc lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của nước đối tác của Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về công tác tổ chức triển khai thực hiện các Điều ước quốc tế, các FTA; đánh giá những lợi ích thực tế đem lại từ các FTA cho Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, lao động, hoàn thiện thể chế…; đánh giá những thách thức đặt ra trong việc thực hiện các FTA trong bối cảnh xung đột địa chính trị, sắc tộc, tôn giáo tại nhiều quốc gia đang leo thang, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Qua đó, các đại biểu đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy triển khai thực hiện các điều ước quốc tế và các FTA, góp phần tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, trong đó có các tỉnh miền tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)