Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 27

02/10/2024 15:20

Ngày 02/10 tại thành phố Huế, Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 27, tiến hành thẩm tra và xem xét một số dự án luật và báo cáo của Chính phủ. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên họp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, phiên họp toàn thể thẩm tra các nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Thẩm tra Báo cáo Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Tại phiên họp, liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội – cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn tất việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; lấy ý kiến tham gia của Chính phủ và chỉnh lý dự án Luật.

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An kiến nghị bổ sung thẩm quyền giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại địa phương cho Đoàn ĐBQH. Thực tế cho thấy phần lớn ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri đều tập trung ở chính quyền cơ sở với nhiều vấn đề cần giải quyết.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu bất cập khi yêu cầu thành lập đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH thì phải có từ 3 ĐBQH trở lên; tuy nhiên khi đi giám sát thì có 1 người. Đây cũng là khó khăn cho hoạt động giám sát của ĐBQH và còn nặng tính hình thức.

Về quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp UBTVQH tổ chức, tiến hành hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố  cáo của công dân, kiến nghị cử tri, đại biểu kiến nghị nên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Phiên họp toàn thể lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Không xảy ra tình trạng xin rút dự án Luật

Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật cũng đã tiến hành thẩm tra báo cáo Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh và Nghị quyết của UBTVQH năm 2024.

Điểm sáng của báo cáo chính là không có tình trạng xin rút các dự án đã có trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh. Đến nay, có 66 văn bản quy định chi tiết chưa ban hành thì đến nay đã ban hành đầy đủ, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan ban hành văn bản khẩn trương nghiên cứu phương án xử lý 8 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật .

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục khắc phục, giải quyết dứt điểm những hạn chế như: mâu thuần, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật, xem xét trách nhiệm người đứng đầu về sai phạm trong văn hành văn bản trái pháp luật.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại phiên họp toàn thể.

Chính quyền đô thị là động lực phát triển cho Hải Phòng

Cũng tại Phiên họp, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Theo báo cáo của Chính phủ, khi thực hiện chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng sẽ đáp ứng vai trò đô thị lớn của khu vực và cả nước, TP. Hải Phòng đề xuất không thực hiện mô hình HĐND quận và HĐND phường khi thực hiện mô hình nay.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân khi tổ chức theo mô hình này sẽ tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hoạt động như TP. Đà Nẵng đã triển khai. Thành phố sẽ có 217 đơn vị hành chính vận hành, giảm 50 đơn vị cấp xã và hơn 1.000 công chức liên quan.

Tán thành với dự thảo Nghị quyết, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp kiến nghị thời gian tới Chính phủ nên nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương đảm bảo phù hợp với thực tiễn, trong đó có các đô thị áp dụng tiêu chú đặc thù là phù hợp.

Tiểu Bảo