Tầm nhìn chiến lược, hướng đến phát triển du lịch bền vững

04/10/2024 10:25

Giai đoạn 2021 - 2023, du lịch tỉnh Long An có nhiều chuyển biến đáng chú ý nhưng chưa được xem là ngành kinh tế mũi nhọn. Giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần có tầm nhìn chiến lược, toàn diện về phát triển du lịch trong xu hướng hội nhập; tạo đột phá ban đầu, hướng đến phát triển du lịch bền vững.

Đại biểu dân cử tỉnh Long An hướng về đồng bào phía Bắc bị thiên tai

Phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử

Tham gia kết nối phát triển du lịch trong liên kết vùng

Giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023, Đoàn giám sát HĐND tỉnh ghi nhận UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch, Đề án về phát triển du lịch phù hợp với Chiến lược chung quốc gia và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn theo thẩm quyền để thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Công tác xã hội hóa du lịch được quan tâm; bố trí ngân sách, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội gắn phát triển du lịch tại địa phương được quan tâm thực hiện. Điểm nổi bật là tham gia kết nối phát triển du lịch trong liên kết vùng (Cụm phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, liên kết với thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long) và hợp tác quốc tế được thực hiện tốt.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Long An chủ trì cuộc khảo sát nắm tình hình hoạt động Khu giải trí phức hợp Happy Land Long An bên cạnh sông Vàm Cỏ Đông

Giai đoạn 2021 - 2023, phát triển du lịch Long An có nhiều chuyển biến đáng chú ý. Cụ thể: thu hút được 11 nhà đầu tư về du lịch (trong đó có 1 khu và 3 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là khu/điểm du lịch cấp tỉnh) và 7 dự án đang kêu gọi đầu tư. Sau đại dịch Covid-19, số lượng khách du lịch đến Long An trung bình tăng hơn 60%/năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch cũng tăng trưởng tích cực, đồng hành với sự gia tăng của lượng khách. Sự cải thiện về chất lượng dịch vụ, triển khai kịp thời các biện pháp kích cầu, sự đa dạng hóa các loại hình du lịch đã góp phần làm tăng doanh thu cho ngành du lịch. Số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú tăng 47% so với quy hoạch đến năm 2020 và đạt 62% so với quy hoạch đến năm 2030. Chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú cũng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đặc biệt năm 2022, lần đầu tiên Long An tổ chức thành công, tạo ấn tượng về hình ảnh điểm đến qua Tuần lễ Văn hóa - Du lịch và hiện nay tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị tổ chức Tuần lễ Văn hóa, Thể Thao, Du lịch lần thứ 2 năm 2024.

Ban hành các cơ chế, chính sách phát triển du lịch

Qua giám sát cho thấy, dù ngành du lịch tỉnh đã có những bước phát triển trong giai đoạn 2021 - 2023 nhưng việc thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch chưa toàn diện. Thiếu định hướng về đối tượng khách du lịch; về các thế mạnh của từng ngành, địa phương. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; mức độ khai thác các dự án về du lịch còn thấp so với mục tiêu đầu tư dự án. Tại các dự án khảo sát, tiến độ thực hiện chậm, chưa phát huy hết giá trị, lượng thu hút khách còn thấp. Sản phẩm du lịch chưa thực sự phong phú và hấp dẫn, sản phẩm bổ trợ chưa gắn với các sản phẩm chính, nhất là các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử...

Nguyên nhân chủ quan được xác định do du lịch chưa được xem là ngành kinh tế mũi nhọn nên chưa dành sự quan tâm đúng mức và thiếu chiến lược toàn diện về phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Thiếu cơ chế, chính sách phù hợp. Đặc biệt, nhận thức và trách nhiệm thực hiện của các ngành, các cấp trong thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch còn hạn chế.

Trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh sơ kết thực hiện Quy hoạch và Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Từ đó, rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030 phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Trong đó, cần có tầm nhìn chiến lược, toàn diện về phát triển du lịch của tỉnh trong xu hướng hội nhập; xác định rõ cơ chế huy động vốn, nguồn lực thực hiện; xác định thời gian, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Tạo đột phá ban đầu, hướng đến phát triển du lịch bền vững.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực. Trong đó, chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch sẵn có (di tích văn hóa, lịch sử); nghiên cứu phát triển mới nguồn du lịch (đô thị du lịch sinh thái, điện ảnh, thể thao…); cơ chế quản lý, khai thác các di tích do hộ gia đình quản lý. Lưu ý ưu tiên nguồn vốn NSNN để phát huy, khai thác du lịch đối với di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, kêu gọi đầu tư khai thác đối với di tích văn hóa, lịch sử. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu sớm trình HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển du lịch trên địa bàn theo thẩm quyền.

UBND tỉnh xây dựng chiến lược quảng bá về du lịch, đất và con người Long An phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xây dựng bộ nhận diện chính thức có giá trị đặc trưng cao, bền vững để phát triển du lịch. Trước hết là xuất phát từ đất nước, con người Long An để xác định các giá trị, xây dựng hình ảnh điểm đến Long An một cách hệ thống, phát triển xuyên suốt từ các hoạt động cụ thể như Tuần lễ du lịch, xúc tiến đầu tư về du lịch, lễ hội truyền thống, bảo tồn, bảo tàng... làm nổi bật các tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh.

(Theo báo Đại biểu nhân dân)