Quy định rõ trách nhiệm của Bộ ngành, địa phương trong quản lý hóa chất

04/10/2024 11:39

Đóng góp ý kiến vào thẩm tra dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 diễn ra sáng 04/10, các đại biểu nêu quan điểm, cần duy định rõ trách nhiệm của Bộ ngành, địa phương đối với việc quản lý hóa chất trong dự thảo Luật.

Phân công quản lý, quy định rõ hóa chất độc hại

Góp ý kiến cho dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)

Sáng 04/10, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp có các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị hữu quan.

Toàn cảnh Phiên họp

Tại Phiên họp, các đại biểu đã thẩm tra dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Đề cập về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết: Sau khi Luật Hóa chất năm 2007 có hiệu lực, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và nhà nước liên quan đến phát triển công nghiệp, quản lý hóa chất, an toàn hóa chất.

Sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần có sự bổ sung, điều chỉnh để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất với tính chất là ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản suất cơ bản của nền kinh tế, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bám sát 04 chính sách đã được Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 556/TTr-CP ngày 16/10/2023 gồm: Phát triển bền vững ngành Công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An khẳng định: Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Hồ sơ dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.  

Đối với chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất (Điều 6): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về đầu tư phát triển, tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu để phát triển ngành hóa chất; khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng những loại hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; bổ sung chính sách cụ thể để thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ngoài ra, đề nghị làm rõ chính sách nào do Nhà nước ưu đãi và do Nhà nước đầu tư.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An

Về phát triển công nghiệp hóa chất (Chương II): Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ có 06 Điều là chưa đầy đủ để phát triển ngành công nghiệp hóa chất nên Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung về: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật; Thương mại và thị trường; Nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ; Nhân lực khoa học và công nghệ; Nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về quản lý hoạt động hóa chất: Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân được vận chuyển hóa chất; cấp giấy phép vận chuyển hóa chất; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất để xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người...

Giải thích rõ hóa chất độc hại, quy định rõ trách nhiệm của Bộ ngành, địa phương

Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và đại điện các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan liên quan đều đồng thuận với việc sửa đổi Luật Hóa chất và các nội dung, quy định được đưa vào dự thảo Luật; đồng thời tập trung đóng góp ý kiến vào: Phát triển ngành Công nghiệp hóa chất; quản lý hóa chất độc hại...

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Bày tỏ sự lo ngại về hóa chất độc hại, chất lỏng đang bị buông lỏng quản lý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cho biết, hiện nay, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhan nhản nhiều hội nhóm mua bán trao đổi hóa chất. Trong đó, xyanua được mọi người hỏi mua và bán lại với số lượng nhiều.

Khi truy cập vào các trang mạng xã hội hay các diễn đàn trực tuyến, chúng ta dễ dàng tìm được người bán xyanua với giá rẻ. Không cần qua kiểm duyệt hay đăng ký, các giao dịch được thực hiện một cách bí mật và nhanh chóng. Từ sự gia tăng đột biến của các vụ án liên quan đến xyanua liên quan đến việc mua bán một cách dễ dàng loại hóa chất này với giá thành rẻ làm dấy lên những lo ngại về an toàn và an ninh cộng đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh việc sử dụng chất cấm trong một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống và an ninh nguồn nước ngày càng trở lên khó kiểm soát hơn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải, một số nước đã cấm hoàn toàn xyanua trong sản xuất do tính chất độc hại với môi trường của nó. Để quản lý chất cấm và hóa chất độc hại, đại biểu cho rằng, trước tiên phải siết chặt lượng cung trên thị trường, tạo ra sự khan hiếm, từ đó sẽ dễ kiểm soát số lượng người dùng. Bên cạnh đó, việc nâng cao công nghệ sản xuất sẽ tiến tới thu hẹp phạm vi sử dụng hóa chất này.

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Khải cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để làm rõ quy trình của từng hoạt động hoá chất, có sự phân công, làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, thừa thiếu và dễ dàng quy trách nhiệm khi xảy ra các sự cố không mong muốn trong các hoạt động hoá chất. Đồng thời, khắc phục cho được tình trạng bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước về hoạt động của hoá chất trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Nghệ An

Liên quan đến quản lý hóa chất, Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Nghệ An nêu quan điểm: Trong dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Ban soạn thảo cần có giải thích rõ hơn về các loại chất độc, hóa chất nguy hiểm, hóa chất thuộc danh mục đặc biệt, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt...

Đề cập về trách nhiệm quản lý hóa chất địa phương, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần chú trọng hơn đến việc quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, đơn vị ở địa phương nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong việc mua bán, sử dụng hóa chất độc hại.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng

Đóng góp ý kiến vào phát triển ngành Công nghiệp hóa chất, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng nêu quan điểm: Để thúc đẩy ngành Công nghiệp hóa chất phát triển cần 3 yêu tố chính: Chính sách đầu tư có chọn lọc, tạo thành mũi nhọn và hợp lý cho ngành Công nghiệp hóa chất, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ. Trong đó, trong dự thảo Luật phải nhấn mạnh đến phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học công nghệ. Ngoài ra, trong dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) cần có thêm những điều khoản để doanh nghiệp phát triển khi đầu tư vào phát triển ngành Công nghiệp hóa chất với những nhiệm vụ, chức năng đúng theo quy định của pháp luật.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của các thành viên Ủy ban, đại diện các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đủ các điều kiện để trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8. Để dự thảo Luật đảm bảo chất lượng trình Quốc hội xem xét, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại Phiên họp; rà soát kỹ lưỡng các điều khoản, nội dung để hoàn thiện các báo cáo, gửi Ủy ban trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Một số hỉnh ảnh tại Phiên họp:

Các đại biểu Quốc hội tham dự Phiên họp

Các Bộ ngành tham dự Phiên họp

Đại biểu Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải

Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Nam

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Phiên họp./.

Bích Lan -Nghĩa Đức