Quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng đổi mới, đáp ứng yêu cầu hoạt động Quốc hội

06/10/2024 08:16

Theo Hiến pháp, Quốc hội có một vị trí, vai trò rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Tại các nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước với quy trình, thủ tục thực hiện ngày càng đổi mới, hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc ban hành các nghị quyết phúc đáp được yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hội thảo Quốc hội Việt Nam – 80 năm đổi mới và phát triển về hoạt động quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội có quyền lập Hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước 

Trong đó, đối với việc xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tại Điều 70 Hiến pháp quy định Quốc hội có các nhiệm vụ, quyền hạn: Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;…

Đồng thời, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.

Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật;

Bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;

Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội;…

Các Nghị quyết được ban hành kịp thời, phúc đáp yêu cầu thực tiễn

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến 

Chia sẻ về nội dung này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho biết, trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nội quy kỳ họp Quốc hội đã quy định về quy trình, thủ tục Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Để thực hiện phương thức này thì các cơ quan của Quốc hội (Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác) có trách nhiệm tham mưu cho Quốc hội (như soạn thảo dự thảo nghị quyết, thẩm tra, chỉnh lý hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, thông qua). Theo đó, Quốc hội xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được ban hành dưới dạng nghị quyết, trong đó có nghị quyết chứa quy phạm pháp luật và nghị quyết không chứa quy phạm pháp luật. Hai loại nghị quyết này sẽ được ban hành theo 2 quy trình, thủ tục khác nhau.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nhấn mạnh, Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận, phân tích và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước được kịp thời, ngày càng thực chất hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo ra những tác động tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Cơ quan có thẩm quyền đã cải tiến, đổi mới cách thức thảo luận về các vấn đề quan trọng của đất nước từ Quốc hội "tham luận" sang Quốc hội "tranh luận" tạo nên không khí sôi động tại các phiên họp của Quốc hội, đã thảo luận, trao đổi làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và đưa ra các quyết định chính xác hơn, chất lượng hơn.

Trong quá trình thảo luận về các vấn đề quan trọng của đất nước cũng như các hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát trong những năm gần đây, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin, như áp dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội trên các thiết bị thông minh và được đưa vào sử dụng với nhiều tính năng thiết thực, đã tạo điều kiện thuận lợi cung cấp các thông tin cần thiết cho các đại biểu Quốc hội trong việc nghiên cứu, sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ.

Để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình, thủ tục quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề xuất, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy trình, thủ tục theo hướng quy định cụ thể hơn và được quy định trong một đạo luật. Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngay từ những giai đoạn đề nghị xây dựng, soạn thảo nghị quyết; chú trọng việc tổng kết, khảo sát thực tiễn và nghiên cứu, phân tích đánh giá tính khoa học, tính thực tiễn của vấn đề để làm cơ sở cho việc xây dựng dự thảo; đồng thời lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia về dự thảo quyết định/ nghị quyết về vấn đề quan trọng của đất nước.

Bên cạnh đó, đối với một số vấn đề quan trọng, như chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội; vấn đề giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, …. thì cần phải tổ chức đánh giá tác động các chính sách trong các vấn đề này.

Ngoài ra, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cũng kiến nghị, tiếp tục đổi mới quy trình thẩm tra, tăng cường tính phản biện; nâng cao chất lượng việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo quyết định/ nghị quyết về vấn đề quan trọng của đất nước; cần huy động trí tuệ tập thể của cơ quan thẩm tra, cơ quan trình dự án, dự thảo và các cơ quan khác, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia vào quá trình chỉnh lý hoàn thiện dự thảo quyết định/ nghị quyết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự thảo nghị quyết có trách nhiệm chuẩn bị các dự thảo, các tài liệu có liên quan bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu và gửi đến Quốc hội, cơ quan Quốc hội đúng thời gian quy định và tham gia đầy đủ vào quá trình thảo luận, cho ý kiến, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo quyết định/ nghị quyết./.

Lê Anh