Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang giám sát tại huyện Mèo Vạc

08/10/2024 13:41

Sáng 08/10, tại huyện Mèo Vạc, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang do đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh làm trưởng đoàn có buổi giám sát đối với UBND huyện Mèo Vạc về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm giai đoạn 2021 – 2024; đồng thời tiến hành khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực giai đoạn 2022 – 2024 trên địa bàn huyện.

Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực

Tham gia giám sát có ĐBQH Hoàng Ngọc Định, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang; lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và huyện Mèo Vạc.

Đồng chí Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang phát biểu tại buổi giám sát.

Thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, giai đoạn từ 2021 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc đã quan tâm chỉ đạo, quán triệt, triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, qua đó đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển KT – XH và bảo bảo an ninh trật tự ở địa phương. Lũy kế đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 53%, trong đó tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 42,3%; tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt từ 80% trở lên. Từ năm 2021 đến hết quý II.2024, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 16.000 lao động; trong đó lao động đi xuất khẩu lao động và đi làm việc ngoài tỉnh hơn 12.000 người.

Đồng chí Hoàng Ngọc Định, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Về thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực, hiện nay, trên địa bàn huyện Mèo Vạc có 2 nhánh sông là sông Nho Quế và sông Nhiệm có độ dốc lớn, thuận lợi cho khai thác thủy điện. Bởi vậy, trong những năm qua, huyện tập trung vào quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo là sức nước để phát triển. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 5 nhà máy thủy điện đang vận hành phát điện với tổng công suất là 206 MW. Thu ngân sách từ hoạt động các nhà máy thủy điện năm 2023 hơn 200 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng thu ngân sách toàn huyện. Các nhà máy thủy điện đang vận hành phát điện thương mại trên địa bàn huyện cơ bản vận hành ổn định, đáp ứng được các yêu cầu hệ thống điện của tỉnh và quốc gia. Cơ chế, chính sách điều phối hoạt động giữa các lĩnh vực, phân ngành bảo đảm an ninh năng lượng được thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của huyện Mèo Vạc những năm qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Hiệu quả đào tạo nghề chưa cao; đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu; công tác tuyên truyền, vận động người học nghề chưa được thường xuyên; một bộ phận nhân dân chưa có ý thức học nghề; chất lượng dạy nghề còn hạn chế… Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực: Công tác bàn giao các công trình điện chậm; vẫn còn tình trạng sử dụng chung công tơ, nhiều người dân phải chịu giá điện cao; vẫn còn 13 thôn chưa có điện lưới quốc gia…

Các đại biểu khảo sát cơ sở vật chất tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Mèo Vạc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi, làm rõ một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cũng như các giải pháp để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về điện lực trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đề nghị UBND huyện Mèo Vạc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đến người lao động, các tổ chức, cá nhân; chủ động tiếp cận và mở rộng thị trường lao động; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường công tác tư vấn, tuyển chọn để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tập trung chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn vốn đầu tư cho phát triển KT – XH gắn với giải quyết việc làm; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành nghề nghiệp để đáp ứng được nhu cầu đào tạo; rà soát, khảo sát, điều tra, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động gắn với phát triển KT - XH của địa phương.

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực, đồng chí Lý Thị Lan đề nghị huyện Mèo Vạc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện tốt việc sử dụng nguồn điện, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành công tác bàn giao công trình lưới điện; quan tâm đầu tư kéo điện cho các thôn còn lại chưa có điện; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình điện; thực hiện tốt công tác kiểm tra an toàn điện và đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn./.

(Theo báo Hà Giang)

Other news