Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024

09/10/2024 08:53

Sáng 9/10, tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương dự và chỉ đạo Diễn đàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính), Hội Luật gia Việt Nam, cùng 3.700 đại biểu tại các điểm cầu địa phương là đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố và các Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL các tỉnh, thành phố, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước… Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương dự Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 được tổ chức nhằm tạo cầu nối để cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp “lắng nghe tiếng nói” của nhau; tiếp tục cùng nhau xác định những vấn đề pháp lý liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ trao đổi, làm sâu sắc hơn về: (i) Vai trò của thể chế để khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khơi thông nguồn lực giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững; thượng tôn pháp luật để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh theo pháp luật, tích cực cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước; (ii) Sự tương tác giữa các cơ quan Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề pháp lý phục vụ sự phát triển và bứt phá đi lên; (iii) Vấn đề thực thi, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc là trước hết và trên hết.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc Diễn đàn

Qua Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh hy vọng Diễn đàn sẽ hướng tới 02 mục tiêu chính sau:

Một là, nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang trên đà khôi phục và phát triển mạnh mẽ hiện nay; làm rõ các vấn đề tồn tại đó xuất phát từ nguyên nhân nào? do quy định của pháp luật hay do tổ chức thi hành pháp luật (hay cả hai)?

Hai là, đưa ra được các các định hướng, giải pháp hữu hiệu ngay tại Diễn đàn hoặc sau Diễn đàn nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý giúp doanh nghiệp phát triển trên cả 02 phương diện: hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, phản ứng chính sách, pháp luật linh hoạt, kịp thời.

Với thông điệp “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định, đây cũng là sự cụ thể hóa việc đổi mới tư duy triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng thể chế nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quyết tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới của Đảng và Nhà nước ta.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn 

Tiếp đó, các đại biểu tập trung thảo luận hai vấn đề lớn và chia thành 2 phiên thảo luận: (i) Một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu điều phối Phiên thảo luận thứ nhất; (ii) Một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ. Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia điều phối Phiên thảo luận thứ hai.

Đây là lần thứ 2 Diễn đàn được tổ chức, là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Trước đó, năm 2022, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật lần đầu tiên được tổ chức, là tiền đề quan trọng để các cơ quan Nhà nước nắm bắt các vấn đề pháp lý đã và đang trở thành rào cản cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục cập nhật thông tin Diễn đàn./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức