Lãnh đạo các nước ASEAN đối thoại với đại diện nghị viện, thanh niên và doanh nghiệp

09/10/2024 22:40

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị liên quan, chiều 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự các phiên đối thoại với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) và Thanh niên ASEAN.

Thủ tướng kêu gọi ASEAN phát triển với tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới và tâm thế mới

Khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 và các Hội nghị liên quan

Phát biểu tại các phiên đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò và sự tham gia của các nghị viện thành viên, doanh nghiệp và thanh niên, góp phần triển khai các ưu tiên, trọng tâm của ASEAN. Theo Thủ tướng, củng cố đoàn kết ASEAN là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu, cần nâng cao khả năng thích ứng của ASEAN trước các vấn đề lớn có tính toàn cầu, toàn dân như chiến tranh và hòa bình, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số. 

Phiên đối thoại với đại diện Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

* Tại phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện AIPA, các nghị viện thành viên AIPA khẳng định ASEAN và AIPA cần tăng cường phối hợp, phát huy vai trò kết nối và dẫn dắt trong các tiến trình hợp tác ở khu vực. Trên tinh thần đó, các nghị viện thành viên đề xuất tăng cường đối thoại và phối hợp giữa các chính phủ và nghị viện trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, cụ thể hóa cam kết của ASEAN thông qua các khuôn khổ pháp lý, tạo các điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, năng lượng sạch, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các chính sách bao trùm, thu hẹp khoảng cách phát triển, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa.  

Các chính phủ và nghị viện cần tiếp tục đồng hành thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định khu vực, tăng cường hợp tác thiết thực giữa ASEAN với các đối tác, đề cao các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Hoan nghênh chủ đề của AIPA năm nay về “Vai trò của Nghị viện trong tăng cường kết nối và tăng trưởng bao trùm của ASEAN” bổ trợ và tương đồng với chủ đề của ASEAN là “Thúc đẩy kết nối và tự cường”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các nước cần định hướng cụ thể, hành động quyết liệt, cùng hướng đến mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN kết nối, tự cường, phát triển bền vững và bao trùm. Cùng với các động lực tăng trưởng truyền thống, các nghị viện và chính phủ cần đồng hành thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, cũng như các ngành mới nổi khác như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật…

Nhấn mạnh thể chế vừa là động lực vừa là nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các nghị viện thành viên đoàn kết, hỗ trợ nhau xây dựng thể chế, góp phần bảo đảm tính tự cường, kết nối, toàn diện và bao trùm của phát triển. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các nghị viện phát huy vai trò giám sát tối cao đối với các cơ quan, trong đó có chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chính phủ tham gia và đóng góp hiệu quả cho các mục tiêu phát triển và tự cường của mỗi quốc gia.    

 * Trong đối thoại của lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện BAC, các đại biểu ASEAN-BAC chia sẻ ASEAN có nhiều tiềm năng tăng trưởng và dẫn dắt trong những ngành công nghiệp mới như bán dẫn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Theo đó, ASEAN-BAC kiến nghị tăng cường hợp tác công-tư, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, phối hợp tháo gỡ các rào cản đối với thương mại, đầu tư và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Nhấn mạnh tiềm năng to lớn của Hiệp định khung Kinh tế số ASEAN, ASEAN-BAC kiến nghị đẩy mạnh hợp tác đổi mới sáng tạo ở khu vực, tạo lập dòng chảy dữ liệu tự do, tin cậy, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư hạ tầng số, góp phần thúc đẩy hội nhập số và tăng trưởng kinh tế số ở khu vực.

Trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, các đại biểu ASEAN-BAC nhấn mạnh nhu cầu phi carbon hóa các ngành công nghiệp, đề xuất các nước ASEAN phối hợp hài hòa chính sách, tinh giản quy trình và giảm thiểu chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp. 

Bày tỏ vui mừng trước những thành quả kinh tế ở khu vực, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, hoan nghênh chủ đề về “Kết nối thương mại số” trong năm 2025 của Chủ tịch ASEAN-BAC Malaysia. 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị ASEAN-BAC tăng cường tham gia vào giải quyết các vấn đề lớn ở khu vực như biến đổi khí hậu, môi trường, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế số, kinh tế xanh. 

Tăng cường kết nối chính phủ và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần tiên phong, đổi mới, tham vấn chính sách cho chính phủ về những vấn đề vướng mắc cũng như các vấn đề về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tham gia và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của khu vực và từng quốc gia.

Khẳng định tầm quan trọng của kết nối doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tăng cường huy động nguồn lực thông qua hợp tác công-tư, chuyển giao công nghệ, kết nối quản trị thông minh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Chia sẻ nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ khẳng định không hy sinh công bằng xã hội và môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Một ASEAN phát triển bền vững và bao trùm không thể thiếu vai trò và đóng góp của doanh nghiệp. 

* Đối thoại giữa lãnh đạo với thanh niên ASEAN, các đại diện thanh niên ASEAN bày tỏ mong muốn được tham gia và đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng, nuôi dưỡng và phát huy tinh thần trách nhiệm công dân trong giới trẻ. Các doanh nghiệp trẻ của ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong, mang lại những ý tưởng mới, đột phá cho cộng đồng, khu vực và thế giới. Các thanh niên cũng mong muốn được tạo điều kiện tham gia ứng phó các thách thức đang nổi lên hiện nay như biến đổi khí hậu, thiên tai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên đối thoại với đại diện Thanh niên ASEAN. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đề cao vai trò của giáo dục, đào tạo trong bối cảnh hiện nay, các đại diện thanh niên kiến nghị lãnh đạo các nước tiếp tục quan tâm, xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục-đào tạo chất lượng, toàn diện, bảo đảm tiếp cận cho tất cả mọi người. Các đại diện thanh niên cũng đề xuất mở rộng các chương trình giao lưu văn hóa, kết nối thanh niên nhằm tăng cường hiểu biết, hữu nghị.

Tại phiên đối thoại với thanh niên, Việt Nam cùng các nước nhấn mạnh thanh niên là lực lượng to lớn, tài sản quý giá và niềm hy vọng của tương lai khu vực. Văn kiện Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên hợp quốc vào tháng 9 vừa qua cũng nhấn mạnh “sự tham gia đầy đủ, hiệu quả, an toàn và có ý nghĩa của thanh niên là thiết yếu để duy trì và thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế”. 

Khẳng định vai trò chủ động của thanh niên trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đổi mới và phát triển, Việt Nam đề nghị ba tiên phong trong thích ứng các xu thế mới toàn cầu như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trong tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề xã hội ở khu vực như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, và trong đề xuất các ý tưởng đột phá hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN trong tương lai.

(Theo TTXVN)