(đã xong) Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre lấy ý kiến đối với 03 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo

10/10/2024 22:25

Ngày 10/10/2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phối hợp Công an tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo thông tin góp ý các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, gồm: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Dữ liệu. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn và Đại tá Lê Văn Hòa, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì Hội nghị.

Bến Tre: Đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo Luật Công đoàn, Luật Việc làm sửa đổi

Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phối hợp Công an tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo thông tin góp ý các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo

Dự Hội nghị có Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy, ĐBQH tỉnh Bến Tre; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể liên quan; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo Công an các huyện, thành phố và các Phòng trực thuộc Công an tỉnh. 

Tại Hội thảo, đại diện Công an tỉnh Bến Tre đã báo cáo về sự cần thiết xây dựng và một số nội dung cơ bản của các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo bao gồm: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Dữ liệu.

Theo đó, dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), dự án Luật Phòng, chống mua bán người đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) vừa qua. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật PCCC và CNCH đã bổ sung quy định cụ thể các hoạt động CNCH có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà chưa được quy định trong văn bản luật; bổ sung nhiều quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của từng chủ thể trong công tác PCCC; các quy định cụ thể về điều kiện an toàn PCCC cho một số đối tượng nhà, công trình mà luật hiện hành chưa điều chỉnh; các quy định cụ thể, bao quát hơn về PCCC điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; các quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ PCCC; các quy định bao quát, cụ thể hơn về chế độ, chính sách đối với người được huy động, người tham gia chữa cháy, CNCH và lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH....

Các đại biểu dự Hội thảo.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi, bổ sung quy định về “Phạm vi điều chỉnh”; bổ sung giải thích từ ngữ về “mua bán người”, “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, “người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”; các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó bổ sung các hành vi: Mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai...; quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quy định về giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài; quy định về tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; về đối tượng được bảo vệ,...

Dự thảo Luật Dữ liệu được xây dựng trên 4 chính sách gồm: Quy định về xây dựng, phát triển, quản trị, xử lý dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu, quản lý nhà nước về dữ liệu; Quy định về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia; Quy định về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận, đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh sự cần thiết ban hành các luật. Đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người, các đại biểu đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số cụm từ, thuật ngữ trong luật cho phù hợp với thực tiễn cũng như phù hợp với các luật chuyên ngành khác.\

Cụ thể, các đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm vào hành vi bị nghiêm cấm (Điều 3) “chào bán, chào mua người”; về trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp luật (Điều 43) dự thảo luật quy định “Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được hỗ trợ pháp luật bằng cách được tư vấn để làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, làm căn cước, nhận chế độ hỗ trợ”, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “hỗ trợ pháp luật” thay bằng cụm từ “để thực hiện các thủ tục hành chính” sẽ phù hợp hơn… Về Quy định chuyển tiếp (Điều 64), các đại biểu đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp việc áp dụng chế độ hỗ trợ theo luật này (kể từ ngày luật này có hiệu lực) đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân phát sinh trước thời điểm luật này có hiệu lực nhưng sau đó vẫn chưa kết thúc quá trình xác định là nạn nhân được hỗ trợ theo luật mới  vì sẽ được hỗ trợ tốt hơn...

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn ghi nhận, tổng hợp các ý kiến của đại biểu tại Hội thảo và sẽ có ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV. Với tinh thần ủng hộ sự cần thiết phải ban hành 03 Luật nêu trên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh, các luật do Bộ Công an soạn thảo là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn cuộc sống đang ngày càng phát triển, nhiều vấn đề phức tạp phát sinh trong lĩnh vực PCCC và CNCH; lĩnh vực phòng, chống mua bán người; nhiều vấn đề còn tồn tại liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý, bảo vệ dữ liệu, an ninh dữ liệu, nhất là dữ liệu cá nhân, dữ liệu quốc gia…

Thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bến Tre, Đại tá Lê Văn Hòa - Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi sự cần thiết ban hành, nội dung các chính sách và các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hiểu đúng và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, Nhân dân.

Đồng thời kiến nghị Sở Tư pháp với vai trò là Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tham mưu với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân về sự cần thiết xây dựng và một số nội dung chính sách mới trong các dự án Luật./.

Hồng Yến