Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất cho các ngành, lĩnh vực

14/10/2024 10:53

Tại phiên họp thứ 38, UBTVQH đã cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất cho các ngành, lĩnh vực ở địa phương, bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, tuân thủ yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, an ninh lương thực, nguồn nước.

UBTVQH cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, hiện nay, một số chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Kế hoạch sử dụng sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 được Quốc hội phê duyệt đã không còn phù hợp với nhu cầu thực tế. Đáng chú ý, hiện nay, Trung ương Đảng cũng đã cho chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, dẫn đến làm tăng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu không được điều chỉnh, bổ sung sẽ làm giới hạn nhu cầu sử dụng một số loại đất cụ thể tại các địa phương, gây khó khăn trong việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án có khả năng thu hút đầu tư, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày Tờ trình

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định số 102/2024/NĐ-CP, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung chủ yếu là điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: Nhóm đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (đất quốc phòng, đất an ninh). Việc tính toán, xác định 8 chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia điều chỉnh lần này cần phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia vì các căn cứ và nội dung như Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, cần làm rõ, trường hợp Quốc hội quyết định điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì có bao nhiêu quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia hoặc các quy hoạch khác liên quan phải thực hiện điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ và tác động của việc điều chỉnh. Đồng thời, tiếp tục rà soát, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, dẫn đến việc đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm sát với nhu cầu thực tiễn...

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho cả nước và từng địa phương. Khi trình nội dung này ra Quốc hội, cần phải thể hiện rõ về mặt chủ trương, bảo đảm phù hợp với 7 căn cứ nêu tại Điều 53, Luật Quy hoạch; làm rõ hơn các căn cứ về sự cần thiết điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất cho các ngành, lĩnh vực ở địa phương; tuân thủ yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, an ninh lương thực, nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng, các hệ sinh thái, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá Tờ trình của Chính phủ đã nêu khá đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và việc điều chỉnh phù hợp với kỳ rà soát quy hoạch. Tuy nhiên, Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động, làm rõ tác động của việc điều chỉnh Quy hoạch đến các quy hoạch thấp hơn trong hệ thống quy hoạch quốc gia như quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh và thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để các đại biểu Quốc hội có đầy đủ cơ sở để xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sau gần 3 năm, việc thực hiện các chỉ tiêu đất xây dựng cơ sở văn hóa, đất có di tích lịch sử văn hóa, đất công trình bưu chính viễn thông đạt rất thấp so với chỉ tiêu đặt ra đến năm 2030. Chính phủ cần làm rõ cả nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng này.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn, chỉ ra các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các thiết chế văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, đào tạo đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu đến năm 2030. Trong đó đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo đạt 3,37%, xây dựng cơ sở y tế đạt 5,5%, xây dựng cơ sở văn hóa đạt 1,96% xây dựng cơ sở thể dục, thể thao chỉ đạt 4,86%, tức là quy hoạch và kế hoạch nhưng thực hiện mới đạt tỷ lệ rất thấp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cần đặc biệt chú trọng vào vấn đề đã được chỉ ra như do đâu mà các doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc đầu tư sử dụng đất để bán nhưng chậm đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, mặc dù đã được giao đất, đủ điều kiện để đầu tư xây dựng hoặc là khi quy hoạch đô thị đã bố trí đất dành cho cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục, thể thao..

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch theo đề xuất của Chính phủ; yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm về số liệu tình hình thực hiện Quy hoạch và nhu cầu sử dụng đất đã nêu trong Tờ trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, tăng tính thuyết phục khi trình Quốc hội; phân tích, đánh giá toàn diện, làm rõ hơn nữa các nguyên nhân đề xuất, các căn cứ, giải pháp, lưu ý các chỉ tiêu, cải thiện hiệu quả việc thực hiện Quy hoạch và việc phải điều chỉnh quy hoạch đất, sử dụng đất; đánh giá tác động của việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến việc phải điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, tác động đến quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng, việc phát triển các công nghiệp, khu công nghệ cao để sử dụng đất một cách hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đất đai...

Hồ Hương