Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang lấy ý kiến góp ý các dự án luật trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, một số sở, ngành có liên quan; Phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng, giáo viên một số trường học của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân gồm 03 Điều, đã sửa đổi, bổ sung 62 khoản của 40 điều, bổ sung mới 20 điều và bãi bỏ 01 khoản của luật hiện hành. Dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định mới như: Hoạt động giám sát của HĐND tại nơi tổ chức chính quyền địa phương; tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội; xem xét việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn;…
Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng gồm 09 Chương, 45 Điều, quy định về nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo; khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo.
Đại biểu Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu ý kiến.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc ban hành 02 dự án luật, đồng thời tham gia góp ý vào nhiều nội dung của dự án luật. Đối với dự án Luật Nhà giáo, các ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định về chính sách thu hút, tuyển dụng nhà giáo; bổ sung quy định đào tạo người có nguyện vọng trở thành giáo viên trung cấp; chế độ tiền lương, đãi ngộ cho giáo viên mầm non; chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo công tác; bổ sung quy định về chế độ nghỉ thai sản của nữ nhà giáo trùng vào thời gian nghỉ hè; bổ sung quy định, tiêu chí đánh giá và xếp loại nhà giáo; quy định tiêu chuẩn về “sức khỏe” khi xem xét bổ nhiệm hạng chức danh nhà giáo;... Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về chính sách hỗ trợ miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo và thời gian bảo lưu chế độ chính sách “36 tháng” khi điều động nhà giáo, cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo công bằng và tâm lý xã hội. Một số ý kiến đề xuất cần có lộ trình tuyển dụng nhà giáo phù hợp với nhu cầu từng địa phương, từng vùng nhằm tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu; đại biểu cũng băn khoăn trong dự thảo có rất nhiều điều (19/45 điều) giao Chính phủ quy định chi tiết; rà soát để đảm bảo không trồng chéo với các luật có lien quan như Luật Viên chức, Luật Giáo dục...
Đại biểu Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các ý kiến cho rằng dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề bất cập của luật hiện hành; đề nghị bổ sung quy định thời gian, thời điểm gửi báo cáo cho cơ quan thẩm tra, giám sát; quy định tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát rõ ràng; quy định rõ thành phần tham gia đoàn giám sát; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; quy định rõ đối tượng tham gia trả lời chất vấn, giải trình…
Đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh kết luận Hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng hoạt động giám sát là một trong những chức năng cơ bản của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử; sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; đảm bảo những kiến nghị qua giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân được thực hiện nghiêm túc... Đối với Luật Nhà giáo có nhiều chính sách nhằm khuyến khích, thu hút, động viên đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, thực hiện sứ mệnh cao cả “trồng người”. Tuy nhiên cũng có nội dung chính sách đối với nhà giáo trong dự thảo đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm và nhiều ý kiến trái chiều. Đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đánh giá nhiều nội dung ý kiến đóng góp xây dựng dự án luật hết sức thẳng thắn, có chất lượng, cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu để kiến nghị với các cơ quan Trung ương tại các diễn đàn của Quốc hội./.